Xe giường nằm “không có tội”?
“Lỗi do tài xế và doanh nghiệp”
Từ số liệu nêu trên, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội, cho rằng việc lãnh đạo Bộ GTVT cấm xe khách giường nằm chạy trên các tuyến đường đèo dốc là hơi vội vàng. Ông Liên cho biết đã ký văn bản gửi Bộ GTVT kiến nghị các giải pháp để quản lý, quy hoạch phát triển xe giường nằm một cách hợp lý, hạn chế thấp nhất các vụ TNGT.
“Không thể nói cấm là cấm ngay được mà phải nghiên cứu, khảo sát cụ thể. Đa số các vụ TNGT, kể cả với xe khách thông thường, đều xuất phát từ việc tài xế lái xe không chuẩn mực, thiếu kinh nghiệm và doanh nghiệp (DN) quản lý chưa chuyên nghiệp, cho xe chạy không đúng quy định” - ông Liên nhìn nhận.
Theo ông Liên, xe giường nằm 2 tầng có trọng tâm cao, chênh vênh ở trên nên khi đi vào đường đèo dốc lắc lư sẽ tạo lực lắc ngang, mạnh. Nếu phải phanh gấp hoặc mất phanh thì xe lắc rất mạnh. Các xe giường nằm đều sử dụng bóng hơi làm phanh, khi phanh gấp thì đầu xe dúi xuống sâu làm tài xế mất bình tĩnh, nếu không có kinh nghiệm có thể mất thăng bằng, lạc tay lái.
Xe giường nằm 2 tầng được nhiều hành khách lựa chọn khi đi lại vì thoải mái, tiện lợi - Ảnh Hoàng Triều
Ông Liên cho rằng các nước đã có xu hướng chung là hạn chế xe giường nằm 2 tầng nên Bộ GTVT cũng cần phải lập một lộ trình cụ thể để thực hiện việc này. Trước mắt, ngành GTVT không nên cấp phù hiệu cho xe giường nằm chở khách hợp đồng do tư nhân quản lý; chỉ nên cho phép DN, HTX có đủ điều kiện, tiềm lực tài chính quản lý, vận hành, khai thác vận tải hành khách (VTHK).
“Nhất thiết chỉ cho xe giường nằm chạy theo các tuyến cố định, cự ly từ 300 km trở lên. Hết đời xe 2 tầng thì yêu cầu DN chuyển dần sang loại 1 tầng. Đến một thời điểm nào đó thì chỉ cho phép xe 1 tầng hoạt động” - ông Liên đề xuất.
Ông Trần Kỳ Hình, Cục trưởng Cục Đăng kiểm, cũng thừa nhận xu hướng chung trên thế giới là hạn chế sử dụng xe giường nằm 2 tầng. Tuy nhiên, việc hạn chế xe 2 tầng ở Việt Nam cần phải có lộ trình hợp lý dựa trên các khảo sát, nghiên cứu.
Thời gian qua, Cục Đăng kiểm đã phối hợp với các đơn vị chức năng tiến hành thanh tra, xử lý nghiêm các xe khách giường nằm có thiết kế ghế ngồi thay đổi so với ban đầu. Tới đây, khi sửa đổi, quy chuẩn (QC) kỹ thuật quốc gia sẽ quy định cụ thể việc bố trí số giường được lắp trên xe theo chiều hướng giảm đi nhằm bảo đảm không gian đi lại, thoát hiểm rộng rãi; hạn chế chiều cao giường tầng 2 để hạ bớt trọng tâm xe...
Phải “túm người có tóc”
Ông Đỗ Hữu Đức, nguyên Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm, đánh giá một trong những nguyên nhân chính dẫn tới nhiều vụ TNGT của xe khách nói chung, xe giường nằm nói riêng xuất phát từ việc quá dễ dãi trong cấp phép kinh doanh VTHK. “Việc xe giường nằm gặp nạn là do người điều khiển phương tiện vận hành không đúng, chứ lỗi không phải ở chiếc xe” - ông khẳng định.
Theo ông Đức, xe giường nằm đã mang lại những tiện ích tích cực trong vận tải đường bộ. Ông cho rằng không thể cho phép DN chỉ có vài xe cũng được kinh doanh VTHK. Chính việc cấp phép dễ dãi, quản lý lỏng lẻo đã khiến các loại xe khách nói chung và xe giường nằm nói riêng hoạt động bát nháo, lộn xộn, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
“Phải quản lý theo kiểu túm người có tóc, tức là chỉ cho phép DN có đủ các yêu cầu về phương tiện, quản lý mới được kinh doanh VTHK đường dài. Nếu có vi phạm gì thì xử phạt thật nặng để họ sợ mà điều chỉnh, nâng cao chất lượng phục vụ và an toàn cho hành khách” - ông Đức nói.
Ông Bùi Danh Liên cho biết sẽ kiến nghị Bộ GTVT đưa vào QC bắt buộc xe giường nằm phải có thêm cửa ở giữa để nâng cao khả năng thoát hiểm. “Đa số xe bây giờ chỉ có 1 cửa nên khi gặp sự cố, hành khách rất khó thoát ra” - ông nhận xét.
Một thành viên ban soạn thảo nghị định về điều kiện kinh doanh VTHK (thay thế Nghị định 91 và Nghị định 93) cho biết sắp tới, việc cấp phép sẽ được siết lại, theo hướng chỉ những DN bảo đảm đủ số xe theo yêu cầu mới được kinh doanh trên những tuyến đường dài.
Thay đổi quy chế kỹ thuật TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, cho biết xe khách giường nằm ở Việt Nam sản xuất, lắp ráp và được kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật theo QCVN 09:2011/BGTVT. “Ai từng đi xe giường nằm, nhất là nằm ở tầng trên, đều thấy QC 09 không bảo đảm an toàn và tiện nghi. Khoảng cách đi lại giữa các hàng ghế quá nhỏ. QC quá mơ hồ dẫn đến không an toàn như thiếu quy định khoảng cách từ giường tầng trên đến mép trần xe của 2 dãy ngoài cùng, không quy định các thông số khoảng cách của hàng giường cuối, xe hầu như không trang bị dây đai an toàn cho từng giường, không có dụng cụ phá cửa sổ khi phải thoát hiểm khẩn cấp. Các phương pháp kiểm tra an toàn của QC chủ yếu dựa vào tính toán, không theo các mô hình mô phỏng rủi ro và TNGT như thông lệ quốc tế, không quan tâm đến sự an toàn của hành khách. Như vậy, việc đầu tiên Bộ GTVT cần làm là thay thế QC 09 bằng một QC kỹ thuật mới rõ ràng, khoa học hơn” - ông Sanh nhận xét. Theo TS Sanh, các nước chỉ có các loại phương tiện vận tải 2 tầng sàn (double - desk), mỗi tầng đều thiết kế hành lang đi lại và cầu thang lên xuống, vừa thuận tiện vừa bảo đảm thoát hiểm, chủ yếu chỉ dùng cho du lịch hoặc vận chuyển hành khách trong đô thị. “Vì sức khỏe và an toàn của hành khách, đã đến lúc phải mạnh dạn thay thế loại xe 2 tầng chạy đường dài bằng các phương tiện khác như xe giường nằm 1 tầng, ghế ngồi bật. Bộ GTVT phải có lộ trình cụ thể, hạn chế và thay thế từng bước xe 2 tầng” - ông kiến nghị. Kỹ sư Lê Văn Tạch, chuyên gia kỹ thuật ô tô, cũng cho rằng cần rà soát kỹ lưỡng các tiêu chuẩn về xe giường nằm. “Xe giường nằm được coi là loại phương tiện hiện đại nên cần trang bị đầy đủ các thiết bị giám sát hành trình, kiểm soát tốc độ. Xe phải tích hợp thiết bị để đi tới đoạn đường nào thì thông báo được ngay tốc độ đang chạy; nếu tài xế chạy quá tốc độ cho phép thì lập tức có chuông cảnh báo mất an toàn để hành khách cũng giám sát được” - kỹ sư Tạch nói. Làm rõ nguyên nhân TNGT Theo ThS Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội VTHK liên tỉnh và Du lịch TP HCM, chỉ đạo của Bộ trưởng Đinh La Thăng cấm xe giường nằm chạy đường đèo dốc quanh co khiến nhiều DN, HTX VTHK rất lo lắng, bởi số tiền đầu tư phương tiện này rất cao, khoảng 3 tỉ đồng/chiếc. Nhiều DN đã gửi kiến nghị đến hiệp hội. “Trước mắt, Bộ GTVT chỉ nên công bố chủ trương tạm thời không cho phát triển thêm loại phương tiện này. Bộ GTVT cần phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tổ chức ngay hội thảo khoa học để tìm hiểu nguyên nhân chính gây ra TNGT là do kỹ thuật phương tiện, điều kiện đường sá, thời tiết hay lỗi chủ quan của tài xế... Trên cơ sở đó, chúng ta sẽ đưa ra những giải pháp cấm đoán hoặc hạn chế cần thiết. Theo tôi, dù chọn giải pháp nào thì cần theo một lộ trình và khung thời gian nhất định. Bước đầu, chỉ cấm ở những đoạn đường nguy hiểm nhất, cấm chạy vào ban đêm..., sau đó cấm những đoạn đường ít nguy hiểm hơn. Song song đó, chúng ta cũng cần bổ sung các biện pháp kỹ thuật như: cải tạo, mở rộng đường ở các đoạn nguy hiểm, tăng thiết bị biển báo, chắn bảo vệ...” - ông Tính đề nghị. Cần có lộ trình Ông Trương Ngọc Thu, Phó Tổng Giám đốc Công ty Phương Trang, khẳng định công ty hoàn toàn ủng hộ chủ trương cấm xe khách giường nằm 2 tầng chạy đường đèo dốc quanh co nhằm bảo đảm an toàn cho hành khách. “Tất nhiên, Bộ GTVT phải có lộ trình để các DN sắp xếp. Phương Trang hiện có 600 xe hoạt động trên các tuyến, trong đó gồm 300 xe giường nằm và hơn một nửa hoạt động trên các tuyến có đường đèo dốc quanh co. Nếu chủ trương của Bộ GTVT sớm thực hiện, chúng tôi sẽ sắp xếp, chuyển đổi phương tiện khác. Riêng xe giường nằm được hoán cải hay không còn tùy thuộc vào ý kiến của Bộ GTVT” - ông Thu cho biết. Thu Hồng |
không
năm
tới
Tin Tức Trong Ngày
giường
Tin cùng chuyên mục