09/07/2024 09:33

Truyền thông y tế cần thay đổi phương thức tránh lạc hậu

Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, nếu không thay đổi, truyền thông y tế sẽ trở nên lạc hậu và không đáp ứng được nhu cầu của cộng đồng.

Hôm qua (6/7/2024), Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM tổ chức chương trình Tọa đàm “Phương thức mới trong truyền thông y tế”.

Truyền thông y tế cần thay đổi phương thức tránh lạc hậu

Chương trình thu hút gần 300 đại biểu tham dự.

Nhà báo Vũ Mạnh Cường – Giám đốc Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe Trung ương, Bộ Y tế, chia sẻ: “Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM dẫn đầu trong việc áp dụng các xu hướng truyền thông mới. Chuỗi hội thảo sẽ giúp các y bác sĩ, nhân viên y tế trở thành những KMOLs (Key Medical Opinion Leaders), góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng”.

Giáo sư Robert McClelland – Trưởng khoa Kinh doanh Trường Đại học RMIT Việt Nam, cho biết: “Chuỗi hội thảo KMOLs sẽ giúp các chuyên gia y tế phát triển kỹ năng truyền thông, đối mặt với thách thức và tận dụng cơ hội trong giao tiếp y tế”.

Chương trình có các chuyên đề thiết thực về pháp lý và tầm quan trọng của truyền thông y tế do ông Nguyễn Ngọc Hồi – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM và TS.Nguyễn Văn Thăng Long – Chủ nhiệm cao cấp/Giảng viên cao cấp chương trình Quan hệ công chúng – Khoa Truyền thông và Thiết kế, Trường Đại học RMIT Việt Nam trình bày, giúp bảo vệ và hỗ trợ các chuyên gia y tế trong việc lan tỏa tri thức y khoa đúng đắn.

GS.TS.BS. Trương Quang Bình – Nguyên Phó Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM nhận định, trên đà phát triển mới, việc Bệnh viện phát triển sáng kiến xây dựng đội ngũ KMOLs sẽ thúc đẩy các y bác sĩ, nhân viên y tế chủ động hơn, chuyên nghiệp hơn trong việc lan tỏa mạnh mẽ các thông điệp truyền thông, tạo ảnh hưởng của mình trong việc cung cấp thông tin y khoa chính thống, thiết thực đến với đông đảo người dân.

Truyền thông y tế cần thay đổi phương thức tránh lạc hậu

Trong khuôn khổ chương trình, Tọa đàm “Chuyên gia y tế và vai trò tạo ảnh hưởng trong xã hội” do ThS. Đỗ Thị Nam Phương – Trưởng Trung tâm Truyền thông Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM dẫn dắt đã mang đến những chia sẻ thực tế, tạo cảm hứng để mỗi bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế đều có thể trở thành KMOLs, phụng sự cộng đồng tốt hơn.

Nhà báo Vũ Mạnh Cường đã nêu rõ các thách thức mà truyền thông y tế đang đối mặt trong thời đại số, đặc biệt là sự lan truyền của thông tin sai lệch. Ông đánh giá cao sáng kiến Key Medical Opinion Leaders (KMOLs) của Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, đây là bước tiến quan trọng giúp các chuyên gia y tế truyền tải thông tin chính xác và hiệu quả. Ông Cường cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng mạng lưới KMOLs toàn quốc để liên kết và chia sẻ kiến thức giữa các chuyên gia y tế, nâng cao nhận thức cộng đồng.

ThS. Huỳnh Bảo Tuân - Giảng viên Trường Quản trị - Học viện Công nghệ châu Á tại Việt Nam, phân tích sự khác biệt và tương đồng trong quản trị truyền thông tại các cơ sở y tế công lập và tư nhân, đề xuất các giải pháp cải thiện hiệu quả truyền thông. ThS nhấn mạnh, lãnh đạo các cơ sở y tế cần đầu tư vào công nghệ và đào tạo nhân lực để nâng cao hiệu quả truyền thông.

Với nhiều vai trò, vừa là bác sĩ, nhà văn – nhà thơ, KOLs trong lĩnh vực y tế, PGS.TS.BS. Lê Minh Khôi – Trưởng phòng Khoa học và Đào tạo Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM đã chia sẻ về nhu cầu của bác sĩ, điều dưỡng và người bệnh trong truyền thông y tế.

Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đào tạo kỹ năng truyền thông cho bác sĩ và điều dưỡng để họ có thể chia sẻ thông tin chính xác, tạo sự tin tưởng từ người bệnh, đồng thời khuyến khích sự tham gia tích cực của họ vào mạng lưới KMOLs.

Nói về vai trò của truyền thông số và ứng dụng AI, PGS. Phạm Công Hiệp – Chủ nhiệm nhóm Bộ môn Kinh doanh sáng tạo, Phó trưởng khoa phụ trách Nghiên cứu và sáng tạo, Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam, nêu rõ những kỹ năng cần thiết mà các KMOLs cần có để tối ưu hóa việc truyền tải thông tin y tế.

Chốt lại vấn đề, PGS.TS.BS. Nguyễn Hoàng Bắc – Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM khẳng định: “Sự lan tỏa và ảnh hưởng tích cực của các KMOLs chính là thể hiện trách nhiệm xã hội của chuyên gia y tế với cộng đồng.

Sáng kiến KMOLs với sự hậu thuẫn từ bệnh viện là một ý tưởng đột phá. Chúng tôi chào đón tất cả những ai có nhiệt tâm với xã hội tham gia vào mạng lưới KMOLs để tạo ra giá trị cho cộng đồng”.

Từ tháng 7/2024, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM sẽ phối hợp với Trường Đại học Quốc tế RMIT Việt Nam tổ chức chuỗi 10 buổi hội thảo về KMOLs.

Chương trình sẽ trang bị nền tảng kiến thức và kỹ năng truyền thông cho các chuyên gia y tế, mở ra cơ hội nghề nghiệp, tạo điều kiện cho sự phát triển cá nhân.

Đông Hường

Tags:

Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM

truyền thông y tế

sức khỏe

hội thảo y tế

Tin cùng chuyên mục