24/08/2014 12:07

Tình mẹ con trong túp lều dưới chân cầu thang

Bà Hương lạc mất gia đình năm 1962 ở biên giới Campuchia. Một chiến sĩ bộ đội đưa bà, lúc đó là cô bé 10 tuổi về Việt Nam an toàn, từ đó bắt đầu chuỗi ngày lang bạt của người phụ nữ không một mảnh giấy tờ tùy thân. Bà lớn lên, lập gia đình với một người đàn ông đạp xích lô, sống chật vật ở khu vực chợ Bình Tây, sinh ba người con. Trần Minh Đại là con út. Được 16 tháng tuổi, Đại bị sốt viêm màng não. Điều kiện kinh tế khó khăn, bà Hương làm nghề nhặt rác, không có điều kiện chữa trị cho con. Căn bệnh khiến Đại tật nguyền từ nhỏ. Chồng qua đời vì bệnh hiểm nghèo, bà bươn chải một mình lo cho con. “Hai đứa lớn lập gia đình nhưng cuộc sống chật vật không thể hỗ trợ cho mẹ và em”, bà Hương nói.

Không nhà không cửa, mẹ con bà Hương lang thang từ nơi này qua nơi khác. Đến khi được người dân khu vực đường Chu Văn An chợ Bình Tây, thương xót, hai kiếp người bất hạnh được cho ở nhờ trong gầm cầu thang khu tập thể 144 này. Ông Chu Duy Hồng, công an phường 2, cho biết: “Trước đây hai mẹ con sống lay lắt ở mấy sạp trong chợ, về sau thì dọn về gầm cầu thang, vì không có giấy tờ nhân thân nên không nhận được chế độ nhà nước, bảo hiểm gì”.

Mỗi ngày bà Hương đi bộ hàng chục cây số bán vé số. Quãng đường ấy là cực hình với đôi chân bị bệnh khớp sưng vù của bà. Nhưng vì chạy ăn từng bữa, ngày mưa cũng như ngày nắng, bà đều đặn đội nón đi bán. Năm 2010, bác sĩ yêu cầu bà nhập viện để mổ, bà Hương lắc đầu: “Tiền đâu mà mổ, mổ xong có biến chứng ngồi một chỗ, ai đi bán nuôi bé Đại”. 

Năm nay 32 tuổi, anh Đại liệt nửa người, mù hai mắt, vệ sinh không tự chủ, chỉ nói được vài từ đơn giản, mãi là một đứa trẻ dại chờ mẹ đút từng muỗng cơm, ly nước. Mỗi ngày đi kiếm sống, người mẹ cắn răng xích con lại một góc. “Nhiều bữa đi bán về, thấy nó rơi xuống phản, nằm lăn lóc, bị kiến cắn khắp người mà ứa nước mắt”, người mẹ kể. Bữa trưa nào bà cũng tạt về nhà cho con ăn, không kịp nấu nướng, nhiều bữa hai mẹ con chia nhau hộp cơm bình dân rồi bà Hương lại tất tả đi. Chiều về sớm, bà tranh thủ ngồi cạo râu cho con trai, lưỡi dao dùng lần thứ ba quá cùn cứa vào da thịt con trai, cứa thêm vào lòng người mẹ, bà Hương xuýt xoa: “Mẹ xin lỗi, đau lắm phải hông con”.

Căn lều tạm của hai mẹ con vừa đủ kê tấm phản cho anh con trai và góc nhỏ đựng xoong nồi để nấu cơm. Đồ đạc giá trị nhất là chiếc máy quạt treo tường và cái tivi nội địa để “thằng Đại nghe có tiếng người cho đỡ buồn”. Bà Ba Ân, người dân sống trong khu nhà tập thể 144, chợ Bình Tây, cảm kích nói: “Bà ấy đau yếu mà vẫn kiếm từng đồng bạc lẻ, lo cho đứa con tàn tật từng chút một, phải can trường lắm mới trụ nổi ba chục năm qua”.

Chính quyền địa phương nhiều lần vận động cho anh Đại vào trung tâm bảo trợ người tàn tật, bà Hương một mình mưu sinh sẽ dễ dàng hơn. Song người mẹ không nỡ xa con: “Tôi lo vào đó thằng nhỏ không được chăm sóc tốt, nên có khổ mấy tôi cũng tự nuôi con”. Còn bà Nguyễn Thị Nhàn, cán bộ phường 2, quận 6, chia sẻ: “Chính quyền rất muốn hỗ trợ hộ nghèo nhưng bà Hương không có bất cứ giấy tờ nào chứng minh nhân thân và quyền pháp lý, nên không làm được”.

“Sắp tới phường muốn vận động bà ra ở trọ, địa phương cam kết kêu gọi mạnh thường quân hỗ trợ bà một năm tiền thuê trọ để ổn định cuộc sống”, bà Nhàn dự tính.

Khánh Ly



Powered By WizardRSS.com | Full Text RSS Feed | Amazon Wordpress | rfid blocking wallet sleeves
Cập nhật tin tức đời sống!

Tags:

Đời Sống

trọng

tình

mẹ

chân

cầu

đuôi

tháng

túp

lều

Tin cùng chuyên mục









Tin đọc nhiều nhất