Sự nguy hiểm của biến chủng Delta từ Ấn Độ đang hoành hành tại Việt Nam: Lây nhanh hơn, nghiêm trọng hơn và cực kỳ khó lường
Các chuyên gia nhận định, có bằng chứng cho thấy biến chủng Delta từ Ấn Độ có thể gây ra biến chứng nặng, dễ khiến bệnh nhân nhập viện.
Cách đây vài ngày, WHO xác nhận biến chủng mới gây hoang mang tại Việt Nam vẫn là chủng B.1.617.2 (Delta) bùng phát mạnh tại Ấn Độ.
Trên thực tế, làn sóng Covid-19 lần thứ 2 tại Ấn Độ đang được xem là có khả năng lây nhiễm kinh hoàng nhất kể từ đầu đại dịch. Bởi vậy, các chuyên gia đã gấp rút tìm hiểu xem liệu biến chủng này có gây ra các triệu chứng nặng hơn hay không.
Các nghiên cứu sơ bộ cho thấy, Delta có thể gây suy giảm thính lực, rối loạn dạ dày, đông máu gây hoại tử - những triệu chứng không thường thấy trước đây. Tại Anh và Scotland - những nơi Delta đang dần chiếm ưu thế, các bằng chứng cho thấy biến chủng gây rủi ro phải nhập viện cao đối với bệnh nhân.
Một bệnh nhân cao tuổi tại Ấn Độ
Được biết, Delta hiện đã lây lan ra 60 quốc gia trong vòng 6 tháng qua, khiến con đường hàng không giữa Úc và Mỹ bị chặn lại. Việc số ca lây nhiễm tăng lên cùng sự xuất hiện của Delta đã khiến Anh Quốc phải suy nghĩ lại về kế hoạch mở cửa toàn diện trong tháng 6/2021. Singapore thậm chí ghi nhận 95% ca nhiễm nội địa có liên quan đến Delta.
Khả năng lây nhiễm dễ hơn, giảm đi hiệu quả của vaccine - tất cả đã khiến việc tìm hiểu về biến chủng này trở nên cực kỳ cấp bách.
Kẻ thù mới
"Cuối năm ngoái, chúng ta tưởng rằng đã biết rõ về kẻ thù mới, nhưng 'hắn' đã thay đổi," - trích lời Abdul Ghafur, chuyên gia dịch tễ từ Bệnh viện Apollo. "Thứ virus này đã trở nên rất khó đoán định."
Đau dạ dày, buồn nôn, mất vị giác, thính giác và đau khớp là những triệu chứng mà bệnh nhân Covid mắc biến chủng mới phải trải qua - theo 6 bác sĩ đang làm việc tại Ấn Độ. Các biến chủng beta và gamma (của Nam Phi và Brazil) có rất ít bằng chứng cho thấy chúng tạo ra các triệu chứng trên.
Ganesh Manudhane - bác sĩ tim mạch tại Mumbai chia sẻ, một số bệnh nhân còn hình thành máu đông, huyết tụ nặng đến mức khiến các mô chết đi và gây hoại tử. Manudhane từng phải điều trị cho 8 bệnh nhân bị đông máu tại bệnh viện Seven Hills trong 2 tháng qua. 2 người bị buộc phải cắt bỏ ngón tay hoặc cả bàn chân vì hoại tử.
"Cả một năm qua chỉ có khoảng 3 - 4 ca như vậy. Giờ là 1 bệnh nhân mỗi tuần," - Manudhane bổ sung.
Những triệu chứng khó hiểu
Ấn Độ ghi nhận 18,6 triệu ca mắc Covid trong hơn 6 tháng đầu năm 2021, so với 10,3 triệu của cả năm 2020. Biến chủng Delta là nguyên nhân chính đứng sau làn sóng dịch bệnh đầy chết chóc đang đày đọa họ. Delta có khả năng lây nhiễm mạnh hơn 50% so với biến chủng tại Anh (Alpha).
Việc dễ mắc bệnh hơn cũng khiến tần suất mắc các biến chứng hiếm gặp gia tăng. Dẫu vậy, Manudhane cho biết ông đang phải đối mặt với những ca mắc đông máu ở nhóm bệnh nhân chưa từng có tiền sử bệnh liên quan.
"Chúng tôi nghi ngờ rằng đó là triệu chứng của biến chủng mới," - ông nhận định. Hiện tại Manudhane đang thu thập dữ liệu nghiên cứu để tìm hiểu lý do tại sao có bệnh nhân bị huyết tụ, người thì không.
Các bác sĩ cũng đang chứng kiến một số bệnh nhân bị huyết tụ trong các mạch máu tại ruột, khiến họ bị đau dạ dày - cũng là triệu chứng duy nhất họ gặp phải khi mắc Covid-19.
Và như đã nêu, một số người thông báo họ bị mất thính lực, cổ họng sưng to, hoặc viêm amidan.
"Mỗi người lại cho các triệu chứng khác nhau trong làn sóng dịch thứ 2," - Hetal Marfatia, bác sĩ tai mũi họng tại Bệnh viện King Edward Memorial ở Mumbai (Ấn Độ).
Báo động lớn nhất của đợt lây nhiễm lần này của Ấn Độ là tốc độ lây lan của biến chủng, bao gồm cả trẻ em - theo Chetan Mundada, bác sĩ tại bệnh viện tập đoàn Yashoda.
Những ca nhiễm cho cả gia đình
Ghafur cho biết, ông cũng đang chứng kiến nhiều gia đình bị mắc Covid, tất cả đều có triệu chứng. Điều này là khá bất thường so với năm 2020, khi chỉ một vài cá nhân bộc lộ triệu chứng nặng, cho thấy khả năng lây lan trong môi trường kín của Delta là mạnh hơn.
Các ca nhiễm nấm đen - Mucormycosis, một dạng nhiễm trùng nấm cơ hội hiếm gặp - cũng đã gia tăng tại Ấn Độ. Hơn 8800 bệnh nhân Covid-19 (cả đang mắc lẫn khỏi bệnh) đã nhiễm nấm đen tính đến ngày 22/5, khiến nhà chức trách phải tuyên bố đó là một dịch bệnh.
Hiện tại, tình hình dịch bệnh của Ấn Độ đã đỡ căng thẳng hơn. Các ca nhiễm mỗi ngày đã giảm xuống chỉ còn 1/4 so với đỉnh dịch ngày 7/5. Dẫu vậy, chủng Delta bắt đầu manh nha ở những nơi khác, từ Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, và cả Việt Nam.
"Tránh được virus là hoàn toàn phi thực tế. Mục tiêu cần nhắm đến là tỉ lệ tiêm chủng cao, để giảm được tỉ lệ tử vong," - Karl Lauterbach, chính trị gia người Đức cho biết.
Ảnh minh họa
Dẫu vậy, xuất hiện một vài bằng chứng cho thấy Delta và ít nhất là một biến chủng khác đang né được kháng thể do vaccine tạo ra. Điều này khiến các công ty dược đối mặt với áp lực tạo ra một loại vaccine mới, hoặc cải tiến vaccine cũ để nhanh chóng đối phó.
"Cần phải chuẩn bị vaccine mới để đối phó với các biến chủng," - Ghafur nhận định. "Nếu không thể đi trước virus, ít nhất hãy bắt kịp nó."
Tags:biến chủng Delta
covid-19
Tin cùng chuyên mục