20/08/2014 08:36

Nguy cơ ung thư từ chứng trào ngược dạ dày thực quản

Bác sĩ Nguyễn Phước Lâm, Trưởng khoa nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Quốc tế Thành Đô cho biết, triệu chứng đặc hiệu của bệnh là chứng ợ nóng. Bệnh cũng có thể biểu hiện dưới dạng các triệu chứng khác như đau ngực, ho kéo dài, đau rát họng... dễ gây nhầm lẫn với bệnh lý tim phổi, viêm họng. Có khi bệnh không có biểu hiện gì cả, khi nội soi hoặc đến khi có biến chứng thì mới phát hiện.

Trào ngược dạ dày thực quản dễ dẫn đến viêm loét thực quản, nếu nặng và kéo dài đưa đến hẹp thực quản. Viêm loét thực quản cũng có thể gây chảy máu. Bệnh diễn ra trong một thời gian lâu làm cho niêm mạc thực quản biến đổi tựa như niêm mạc ruột, gọi là Barrett thực quản. Barrett thực quản là tổn thương tiền ưng thư, có thể chuyển thành ung thư. Khi đã chuyển thành Barrett thực quản thì không thể điều trị hết bằng thuốc mà cần theo dõi kỹ bằng nội soi, nếu có dấu hiệu nguy cơ cao chuyển sang ung thư thì can thiệp bằng thủ thuật hoặc phẫu thuật.

Ở một số bệnh nhân, đặc biệt là trẻ em và người già, có thể gây nên viêm phổi do hít dịch trào ngược vào đường thở. 

Dấu hiệu của chứng viêm thực quản trào ngược

Ở trẻ em là dấu hiệu nôn trớ, chất nôn có mùi chua của dịch dạ dày. Ít gặp hơn là triệu chứng khò khè, bé biếng ăn, chậm lớn, viêm phổi.

Ở trẻ lớn và người trưởng thành điển hình là triệu chứng ợ nóng, có vị chua ở họng, nóng rát hoặc đau ở ngực, cảm giác thức ăn bị kẹt lại khi nuốt. Các triệu chứng khác như khàn giọng và rát họng vào buổi sáng, hơi thở hôi. Các triệu chứng thường xuất hiện sau khi ăn hoặc về đêm. Triệu chứng giảm bớt khi người bệnh dùng các thuốc kháng axit như Phosphalugel hoặc thuốc làm giảm tiết axit như Cimetidine, Omeprazone.

Nguyên nhân làm dịch trong dạ dày trào ngược vào thực quản

Có nhiều giả thiết về nguyên nhân của bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Các giả thiết tập trung vào tổ chức có chức năng như cái van ở chỗ nối thực quản và dạ dày. Ở người bị trào ngược dạ dày thực quản thì van này hoạt động không bình thường, áp lực đóng yếu hơn bình thường, van mở vào những thời điểm không phù hợp làm cho các chất chứa trong dạ dày dễ dàng đi ngược vào thực quản.

Bên cạnh van có chức năng suy yếu, các yếu tố tác động góp phần cho tình trạng trào ngược thêm trầm trọng như béo phì, thoát vị dạ dày qua khe thực quản, thức ăn nằm lâu trong dạ dày, mang thai, hút thuốc lá, rượu bia, một số thức ăn và thuốc.

Chẩn đoán trào ngược dạ dày thực quản

Ợ hơi, ợ chua, ợ nóng có thể là dấu hiệu sinh lý bình thường nếu như nó chỉ xảy ra thoáng qua và không gây cảm giác khó chịu. Nếu các triệu chứng này xảy ra thường xuyên, ở một mức nặng hơn, làm cho người bệnh cảm thấy khó chịu hoặc gây viêm thực quản thì được xem như là bệnh lý.

Triệu chứng điển hình của bệnh là ợ chua, ợ hơi, nóng rát sau xương ức, đau rát họng, vị chua trong miệng. Triệu chứng này trầm trọng hơn vào ban đêm, ở tư thế nằm. Nếu người bệnh có các triệu chứng điển hình này và không có dấu hiệu báo động của bệnh lý nghiêm trọng như là nuốt khó, nuốt đau, sụt cân, chán ăn, thiếu máu, chảy máu đường tiêu hóa, triệu chứng mới xuất hiện gần đây ở người lớn tuổi (trên 50 tuổi), thì người bệnh sẽ được chẩn đoán trào ngược dạ dày thực quản và tiến hành điều trị trong khoảng thời gian 4-8 tuần.

Sau giai đoạn điều trị nếu không hết người bệnh sẽ được nội soi thực quản dạ dày để chẩn đoán. Các phương tiện chẩn đoán cận lâm sàng được dùng đến nếu người bệnh có triệu chứng không rõ ràng, nghi ngờ về chẩn đoán, không đáp ứng với điều trị hoặc có dấu hiệu báo động bệnh lý nghiêm trọng. Phương tiện xét nghiệm thường dùng chẩn đoán bệnh là nội soi thực quản dạ dày. Đo áp lực cơ vòng dưới thực quản, đo pH thực quản chỉ áp dụng cho các trường hợp đặc biệt.

Một số lưu ý khi điều trị bệnh

- Thay đổi lối sống là bước điều trị đầu tiên và quan trọng nhất. Cần thay đổi chế độ ăn, kiêng rượu bia, cà phê, thuốc lá, thức ăn có nhiều dầu mỡ, thức ăn chua, cay, nước uống có ga.

Không ăn bữa ăn quá no, nên chia làm nhiều bữa ăn ít hơn, không ăn muộn vào buổi tối, không nằm trong 2 giờ sau khi ăn, không uống quá nhiều nước trong khi ăn.

Ngủ nằm đầu cao 15 cm so với chân. Giảm cân nếu thừa cân, béo phì, ngưng các thuốc kích thích dạ dày.

- Dùng thuốc: Người bệnh được cho sử dụng các loại thuốc tăng cường co thắt cơ vòng thực quản, thuốc làm dạ dày mau trống, thuốc làm giảm axit dạ dày, thuốc kháng axit dạ dày...

- Phẫu thuật thường dành cho các trường hợp viêm loét thực quản nặng, không đáp ứng với điều trị thuốc, có kèm theo thoát vị qua khe thực quản hoặc trào ngược dạ dày thực quản có biến chứng.

Những thức ăn người bị chứng trào ngược dạ dày thực quản không nên ăn:

- Thức ăn có nhiều dầu mỡ. Những thức ăn này làm sức co của cơ vòng dưới thực quản giảm, làm cho thức ăn tồn đọng lâu trong dạ dày do đó làm trào ngược dễ xuất hiện.

- Trái cây tốt cho sức khỏe nhưng cũng có một loại làm cho trào ngược dạ dày thực phẩm nặng thêm do có chứa thành phần axit nhiều như cam, chanh, bưởi, cà chua, cóc, me... Người bệnh nên hạn chế ăn, đặc biệt là trái cây chua.

- Chocolate: Có chứa chất là methyxanthine chất này làm giảm co thắt cơ vòng dưới thực quản do đó trào ngược dịch dạ dày vào thực quản.

- Tiêu, ớt, hành, tỏi, bạc hà.. gây kích thích dạ dày làm tăng khả năng trào ngược.

Các thức ăn dưới đây có thể làm bớt triệu chứng trào ngược:

- Sữa chua.

- Bơ làm từ đậu phộng.

- Các thực phẩm giàu chất xơ như đu đủ, các loại đậu, táo, bơ, bông cải, atiso.. tốt cho sức khỏe, tốt cho vấn đề tiêu hóa và làm giảm trào ngược dạ dày thực quản.

Lê Phương



Powered By WizardRSS.com | Full Text RSS Feed | Amazon Wordpress | rfid blocking wallet sleeves
Cập nhật tin tức đời sống!

Tags:

Đời Sống

thức

đậy

từ

đà

thú

nguy

chúng

quần

trào

ngược

Tin cùng chuyên mục









Tin đọc nhiều nhất