06/09/2014 20:03

Nặng gánh đầu năm học

Cũng may con chị đều đã qua lớp 1 nên thoát được khoản đóng tiền mua điều hòa và máy chiếu dùng trong vòng 5 năm. Đấy là những số tiền phát sinh đầu năm học. Ngoài ra, trường cũng đang có thông báo thu của mỗi bé gần một triệu tiền ăn và phục vụ bán trú cùng học phí tiếng Anh hàng tháng.

Từ khi hai đứa con đi học trở lại từ giữa tháng 8 cho đến ngày khai giảng 5/9, thực ra chị Trang chưa đóng đồng tiền nào cho trường nhưng chi phi chuẩn bị năm học mới cho con cũng khiến người mẹ này khá mệt. Hai đứa con hết 1,4 triệu tiền đồng phục, gồm mỗi đứa một cái áo khoác mùa đông, hai cái sơ mi, con trai thì hai cái quần, con gái hai jupe, một bộ đồng phục thể thao.

“Nếu không mua đồng phục thì vẫn phải mua quần áo cho con mặc nhưng việc mua dồn một lúc khiến mình thật khó xoay xở. Ví dụ, thằng con hiếu động, nếu làm rách quần áo thì không biết cuối năm sẽ mặc gì. Cả hai đứa đều cao nhanh, đồng phục năm ngoái đã cộc đu", chị băn khoăn. Trường chỉ bán đồng phục vào đầu năm học mà thôi. 

Bên cạnh đó là chi phí sách giáo khoa, vở, đồ dùng học tập như bút, hộp bút, thước, bộ thực hành toán... hết tổng cộng hơn một triệu. Cậu anh tính cẩu thả, hết năm học đã phá hết đồ dùng học tập nên năm nào cũng phải mua đồ mới. Sách giáo khoa cuối năm cũng hỏng nên cô em không thể dùng lại được sách của anh..

Chị Trang công tác ở một cơ quan hành chính, lương khoảng 4 triệu đồng, chồng làm việc cho một công ty xây dựng, lương 7 triệu một tháng. Cứ đến đầu năm học của con là hai vợ chồng lại phải đi vay tiền khắp nơi.

Không phải vay mượn để chuẩn bị năm học mới cho con nhưng cả dịp lễ 2/9 vợ chồng chị Thu (Từ Liêm, Hà Nội) không đi đâu, quà trung thu cơ quan cho con bằng tiền mặt cũng bị bố mẹ tạm thu vì lo hết tiền tiêu. Lương tháng 8, chị Thu đã cất riêng 3 triệu đồng để chuẩn bị đóng tiền  xây dựng trường và quỹ phụ huynh cho con dù chưa có thông báo họp cha mẹ. Mấy hôm nay, chị cũng giới hạn tiền ăn cả ngày 120.000 đồng cho cả hai vợ chồng và cậu con trai sắp vào lớp 1. Chồng càu nhàu khi phải cần kiệm, nhưng khi nghe vợ giải thích phải đóng xong tiền trường cho con mới yên tâm, anh im lặng không nói gì. Anh cũng như vợ, sợ nhất cho con đi học đóng chậm tiền sẽ bị phân biệt đối xử.

Thời học mầm non, mỗi tháng bé Bi tiêu tốn của mẹ Thu một triệu đồng cho tất cả tiền ăn và học. Từ tháng 7 bé đi học hè rồi chuẩn bị vào lớp 1 của năm học mới, đến giờ ngân sách dành cho bé đã khiến mặt mẹ hơi... méo. Đầu tiên là hai mẹ con đi sắm cặp sách, đồ dùng học tập... hết gần một triệu đồng. Hai bộ sách giáo khoa, một để ở lớp, một để ở nhà (để con khỏi nặng cặp đến lớp mà vẫn có sách học tại nhà) tốn gần 200.000 đồng. Rồi tiền đồng phục (550.000 đồng), học phí tiếng Anh một học kỳ (1,6 triệu đồng), tiền mua điều hòa (460.000 đồng), rèm cửa lớp (100.000 đồng), máy tính, máy chiếu âm ly (800.000). Tất cả  hết gần 5 triệu đồng.

Đầu năm học, với những gia đình có một con thì bố mẹ có thể không quá khó khăn, nhưng chi phí cho hai đứa con ăn học thực sự khiến nhiều người đau đầu. Vợ chồng anh Hưng (công nhân khu chế xuất Tân Thuận, TP HCM) đã phải gửi đứa con lớn về quê cho ông bà nuôi. Tuần trước anh ra bưu điện gửi tiền về cho ông bà với mức nhiều hơn mọi tháng 2 triệu để ông bà mua quần áo và đồ dùng học tập cho cháu. Cũng may là nhà trường cho học sinh thuê sách giáo khoa nên anh chỉ tốn 50.000 đồng.

Đầu năm trường thu một số khoản học thêm hồi mùa hè, xây dựng trường và quỹ phụ huynh, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể học sinh. Cô con út vừa vào lớp 1 cũng ngốn hết của bố Hưng gần 3 triệu đồng gồm tiền sắm đồ dùng học tập, đồng phục, cũng như tiền cơ sở vật chất và chi phí ăn uống chăm sóc cho trường. Đấy là chưa kể mới đi học chưa được một tháng nhưng cô bé đã dùng hết 10 cây bút chì, chủ yếu do làm gãy và mất, 8 viên tẩy cũng mất và do nghịch ngợm bẻ vụn, mất một cái bảng và hai đôi dép lê đi trong lớp. 

Chia sẻ kinh nghiệm lo tiền cho con đầu năm học, chị Thanh, mẹ của hai cô con gái đang học một trường cấp 2 tại quận 1, TP HCM, cho biết tháng nào lĩnh lương xong chị cũng bỏ ống heo từ 500 đến 1 triệu đồng, đến tháng 8 đập ra để lo chi phí đầu năm học sau cho con. Đến tháng 9, chị lại nuôi một con heo mới. Ngoài ra chị cũng khuyến khích các con dùng tiền mừng tuổi của mình để mua sắm đồ dùng học tập.

Bà mẹ này chia sẻ: “Không phải bố mẹ quá khó khăn nhưng tôi muốn các con học cách chia sẻ vấn đề tài chính với bố mẹ". Mỗi khi các bé được cho khoản gì, chị Thanh thường bảo chúng chia tiền ra 3 con heo đất, giống kiểu các ông bố bà mẹ ở Mỹ vẫn dạy con. Một heo có thể tiêu vặt, mua đồ chơi; một để dành sau này như đi học đại học; một để cho các khoản mua sắm sách vở, quần áo.

Để tránh tình trạng phụ huynh quá nặng gánh mỗi khi năm học mới bắt đầu, Sở Giáo dục đào tạo Hà Nội vừa có văn bản gửi các phòng giáo dục của 30 quận, huyện về việc thực hiện thu - chi học phí và các khoản thu chi khác, từ phí bán trú tại các trường tiểu học, THCS đến việc chi học phẩm, nước uống. Sở cũng yêu cầu các trường không tập trung thu ngay từ đầu năm học để giảm áp lực cho phụ huynh, nhất là những gia đình khó khăn.

Còn tại TP HCM, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT Đỗ Minh Hoàng cho biết Sở cũng có công văn ngày 5/8 hướng dẫn về thu, sử dụng học phí và thu khác của các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập năm học 2014/15. Theo quy định hiện hành, khoản thu hộ - chi hộ là khoản thu khác (ngoài học phí) được các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập thống nhất chủ trương với phụ huynh học sinh để mua sắm phục vụ trực tiếp cho học sinh học tập, sinh hoạt như quần áo đồng phục, quần áo thể dục thể thao, ấn chỉ hồ sơ học sinh, học phẩm - học cụ, trang bị thiết bị học ngoại ngữ. Ngoài ra, tiền ăn và tiền nước uống cũng được hạch toán vào khoản thu hộ - chi hộ theo mức thu do nhà trường tính toán được thỏa thuận với phụ huynh nhằm đảm bảo chất lượng bữa ăn cho học sinh.

Sở Giáo dục đào tạo Quảng Bình ngày 28/8 đã hướng dẫn các khoản thu đầu năm, trong đó quy định rõ những khoản không được thu. Theo đó, nhiều khoản tuyệt đối không được thu dưới bất kỳ hình thức nào bao gồm: Tiền vệ sinh môi trường trong đó có tiền phí rác thải, vệ sinh sân vườn, chăm sóc bồn hoa, cây cảnh, phục vụ vệ sinh lớp học; tiền hỗ trợ các kỳ thi, tiền điện, nước sinh hoạt; tiền giấy kiểm tra của học sinh (trừ giấy thi học kỳ); tiền phụ huynh đóng góp thay cho lao động học sinh - đây là những khoản chi lấy từ ngân sách. 

Sở Giáo dục đào tạo Quảng Bình cũng nêu rõ nhiều khoản cấm trường thu hộ các tổ chức bao gồm: Bảo hiểm thân thể học sinh và các loại bảo hiểm khác (trừ bảo hiểm y tế). Cơ quan bảo hiểm liên hệ với phụ huynh học sinh tại nơi cư trú về việc mua, bán các loại bảo hiểm này theo nguyên tắc tự nguyện.

Kim Kim



Powered By WizardRSS.com | Full Text RSS Feed | Amazon Wordpress | rfid blocking wallet sleeves
Cập nhật tin tức đời sống!

Tags:

Đời Sống

dâu

nâng

Học

năm

gánh

Tin cùng chuyên mục









Tin đọc nhiều nhất