Mỹ: Nữ y tá quyết chống lại lệnh cách ly Ebola
Nữ y tá Kaci Hickox quyết chống lại lệnh cách ly bắt buộc của nhà chức trách Mỹ
Ngày 29/10, các quan chức bang Maine, Mỹ cho biết họ đang nộp đơn lên tòa án yêu cầu nữ y tá Hickox phải tuân thủ thời gian cách ly 21 ngày để ngăn ngừa dịch Ebola, bởi cô là người đã từng ở rất gần với loại virus tử thần này khi chăm sóc cho các bệnh nhân ở Tây Phi.
Ông Paul LePage, Thống đốc bang Maine tuyên bố rằng Hickox đã “không sẵn sàng tuân thủ các quy trình do Cơ quan Phòng chống và Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) của bang và của nước Mỹ đề ra đối với các nhân viên y tế từng tiếp xúc với bệnh nhân Ebola”.
Cơ quan y tế bang Maine cho rằng tất cả những người có nguy cơ lây nhiễm Ebola cao đều phải trải qua quá trình cách ly bắt buộc 21 ngày, và nếu đối tượng không chịu tuân thủ, cơ quan y tế sẽ có những biện pháp mạnh để cưỡng chế.
Hickox trong khu cách ly ngay sau khi đặt chân xuống sân bay
Tuy nhiên, nữ y tá Hickox, một tình nguyện viên của tổ chức Bác sĩ Không Biên giới ở Sierra Leone tuyên bố chống lại lệnh cách ly bắt buộc này, vì cô đều âm tính với virus Ebola qua 2 lần xét nghiệm.
Nữ y tá này nói: “Tôi sẽ không tuân thủ các hướng dẫn đó. Tôi vẫn cảm thấy sốc trước chính sách bắt cách ly tại nhà mà họ đang buộc tôi phải tuân theo”. Luật sư của Hickox cũng khẳng định rằng nếu nhà chức trách dùng vũ lực để buộc Hickox phải cách ly tại nhà, họ sẽ đưa vụ việc ra tòa án.
Hickox khẳng định cô vẫn đang khỏe mạnh và chưa hề có triệu chứng nhiễm Ebola. Một người chỉ lây lan Ebola cho người khác khi xuất hiện các triệu chứng như sốt, nôn mửa, ho..., mặc dù thời gian ủ bệnh của Ebola có thể kéo dài tới 21 ngày.
Hình ảnh Hickox trong khu cách ly do luật sư của cô công bố
Mặc dù Hickox tuyên bố rằng cô sẽ chống lại bất cứ lệnh cách ly nào của tòa án, nhưng cô sẽ tuân thủ hướng dẫn của CDC về các biện pháp giám sát, chẳng hạn như thông báo chỉ số nhiệt độ hàng ngày.
Hickox đã bị nhà chức trách bang Maine đặt vào tình trạng cách ly từ hôm thứ Sáu tuần trước, ngay khi cô vừa đặt chân xuống sân bay ở Newark, bang New Jersey. Tại sân bay, các nhân viên y tế cho rằng Hickox đã xuất hiện triệu chứng sốt.
Tuy nhiên, nữ y tá này khẳng định lúc đó mình đang lo lắng và hồi hộp nên cảm biến trên thiết bị đo nhiệt độ từ xa đã đo sai nhiệt độ của cô. Những lần đo nhiệt độ sau này đều có chỉ số bình thường.
Chính sách cách ly người có nguy cơ nhiễm Ebola một cách gắt gao đã vấp phải sự phản ứng của nhiều chuyên gia y tế và chính trị gia Mỹ, trong đó có cả Tổng thống Barack Obama. Ông Obama cho rằng những quy trình cách ly hay lệnh cấm du lịch tới các nước có nguy cơ cao chỉ dựa trên nỗi sợ hãi chứ không phải căn cứ khoa học.
Hickox xứng đáng được coi như anh hùng sau khi tham gia cuộc chiến chống Ebola ở Tây Phi
Ông Obama cũng khẳng định rằng những nhân viên y tế như Hickox, những người đã mạo hiểm mạng sống để tới Tây Phi giúp đỡ người dân ở đó chống lại đại dịch Ebola, chính là những “anh hùng” xứng đáng được tôn vinh và tôn trọng.
Hickox cũng cho rằng chính sách cách ly trên là “rào cản lớn” đối với các nhân viên y tế muốn tới Tây Phi để giúp đỡ bệnh nhân, vì họ không muốn bị cách ly trong thời gian đằng đẵng ở nhà sau khi trở về giống như cô.
Ngày 29/10, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết có hơn 13.700 người đã bị nhiễm Ebola, trong đó tập trung hầu hết ở 3 nước Tây Phi là Guinea, Liberia và Sierra Leone, trong đó có khoảng 5000 người đã thiệt mạng.
WHO cũng cho biết tỉ lệ tử vong trong đại dịch Ebola đang hoành hành hiện nay là từ khoảng 60-70%.
chống
nữ
Mỹ
cách
lại
quyết
Tin Tức Trong Ngày
lênh
Ebola
Tin cùng chuyên mục