26/08/2023 09:14

Hậu quả khôn lường khi bà bầu lạm dụng sắt và canxi

Không muốn đi vào “vết xe đổ” của chị dâu có sinh con thiếu tháng, thằng bé bị còi xương, suy dinh dưỡng, mẹ bị đau lưng, ngay từ những ngày đầu “có tin vui” Mai Lệ đã mua sắt và canxi tự ý uống. Mai Lệ không tiếc tiền đầu tư các loại thực phẩm chức năng vì nghĩ rằng sau này con sinh ra sẽ thông minh, khỏe mạnh, cao lớn vượt trội. Vậy nhưng phải nhập viện sau nhiều ngày bị táo bón, người mệt mỏi và đặc biệt là hiện tượng đi tiểu ra máu, Mai Lệ mới nhận ra sai lầm đáng trách của bản thân. Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm, bác sĩ chuyên khoa cho biết Mai Lệ bị thừa sắt và can xi do tự ý bổ sung quá liều.

Thực tế thì, hiện tượng thai phụ tự mua viên sắt, canxi, vitamin tổng hợp về uống khá phổ biến. Điều này xuất phát từ suy nghĩ phụ nữ chửa đẻ bao giờ cũng thiếu hụt sắt, canxi nên “phòng hơn chống”, uống vào chỉ có tốt chứ chẳng gây hại gì. Sai lầm đó không chỉ tồn tại ở những vùng nông thôn còn lạc hậu mà ngay ở các thành phố lớn, nhiều chị em có trình độ học vấn cao vẫn mắc phải.

Hậu quả khôn lường khi bà bầu lạm dụng sắt và canxi

Ảnh minh họa.

Sắt và canxi cần bổ sung một cách hợp lý, hiệu quả ngay từ giai đoạn chuẩn bị mang thai, trong suốt thai kì và cả giai đoạn cho con bú. Thiếu sắt, thai nhi có nguy cơ bị dị dạng, suy dinh dưỡng, nhẹ cân, có thể bị sảy thai, sinh non, ảnh hưởng đến thể chất và trí tuệ trẻ sau này. Mẹ bị thiếu sắt có thể bị thiếu máu, mệt mỏi, tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Thiếu canxi, thai nhi rất dễ còi xương, kém phát triển, biến dạng cấu tạo xương. Người mẹ có nguy cơ bị đau mỏi xương khớp, chuột rút, răng dễ vỡ (do cơ thể huy động canxi dự trữ xương và răng của mẹ để đảm bảo lượng canxi cho thai nhi). Trường hợp nặng có thể gây co giật do hạ canxi máu. Thiếu máu, thiếu sắt được xem là liên quan đến ¼ trường hợp tử vong ở thai phụ, sản phụ, làm gia tăng các tai biến sản khoa, nhất là tai biến do xuất huyết sau sinh.

Tuy nhiên, nếu tự bổ sung sắt và canxi dạng uống không theo chỉ định của bác sĩ sẽ không kiểm soát được cơ thể đang thừa hay thiếu chất, dẫn đến những hiểm họa khôn lường. Thừa sắt làm tăng nồng độ sắt tự do trong máu thai nhi, tăng nồng độ huyết sắc tố trong máu người mẹ. Điều này cản trở quá trình tạo máu bình thường của thai nhi, dẫn đến tình trạng bị sinh non, thiếu cân, tăng nguy cơ tử vong ở sản phụ. Người mẹ có các biểu hiện như tiêu chảy, đi tiểu ra máu, buồn nôn, đau bụng…

Thừa canxi, thai nhi có thể bị tăng canxi trong máu, khi ra đời thóp kín quá sớm, xương hàm có thể bị biến dạng, rộng và nhô ra trước, không có lợi cho sức khỏe và ảnh hưởng đến thẩm mĩ. Bánh nhau sẽ bị tăng độ canxi hóa làm giảm trao đổi chất giữa mẹ và thai nhi, làm thai kém phát triển. Người mẹ bị táo bón, khô miệng, đau đầu, chán ăn, mệt mỏi và nếu như người mẹ uống ít nước, lượng canxi và sắt dư thừa không đào thải được qua nước tiểu có thể bị sỏi đường tiết niệu, đặc biệt là sỏi thận. Một số trường hợp nhiễm độc canxi còn có thể đối mặt với nguy cơ tử vong.

Ngoài việc chú trọng bổ sung sắt, canxi, các bác sĩ còn khuyến cáo thai phụ nên bổ sung magie, kẽm, acid folic và các loại Vitamin A, B, C, D, E một cách hợp lý và hiệu quả. Các bác sĩ nhấn mạnh rằng việc bổ sung bằng chế độ ăn sẽ dễ kiểm soát và an toàn hơn bổ sung dạng thuốc. Những trường hợp thiếu hụt sắt, canxi cần tuần thủ theo đơn do bác sĩ chuyên khoa kê.

Bổ sung sắt, canxi thế nào cho hiệu quả?

Tùy vào cơ địa, tình trạng sức khỏe, tiền sử bệnh lý của thai phụ, bác sĩ chuyên khoa sẽ đưa ra chỉ định, liều lượng, thời điểm và cách thức bổ sung sắt, canxi hợp lý. Với những mẹ bầu khỏe mạnh, không bị nghén có thể giai đoạn đầu chỉ cần bổ sung sắt và canxi từ nguồn thực phẩm hàng ngày, sang đến giai đoạn sau có thể dùng sắt và canxi dạng nào cũng được. Mẹ bầu bị tăng huyết áp, tiền sản giật cần cẩn trọng khi dùng các loại thuốc canxi có lẫn natri. Mẹ bầu bị tiểu đường thì không sử dụng canxi có chứa hàm lượng đường.

Trong quá trình phát triển, thai nhi thường sử dụng sắt và canxi từ người mẹ để tạo máu và xương cho sự lớn lên. Bởi vậy, ở mỗi giai đoạn thai kì, cơ thể người phụ nữ cần bổ sung lượng sắt và canxi khác nhau.

Thông thường, trong 3 tháng đầu, nhu cầu canxi cần thiết cho cơ thể người mẹ là 800mg/ngày và nhu cầu sắt là 30mg/ngày. Sang quý 2 như cầu canxi là 1000mg/ngày và nhu cầu sắt là 40mg/ngày. Ở quý 3 nhu cầu canxi có thể lên tới 1500mg/ngày và nhu cầu sắt là 50- 60mg/ngày.

Hậu quả khôn lường khi bà bầu lạm dụng sắt và canxi

Ảnh minh họa.

Do đó, khi mua các mẹ đừng quên kiểm tra thông tin sản phẩm như thành phần thiết yếu, hạn sử dụng… để được cung cấp đủ lượng khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Nếu thuốc có mùi vị khó uống, gây tác dụng phụ (nôn, đầy bụng, khó tiêu, táo bón…) thì cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để được tư vấn kịp thời hoặc có chỉ định chuyển sang dùng loại khác.

Việc bổ sung sắt và canxi cần đúng thời điểm mới phát huy hết được công dụng và có lợi cho mẹ bầu. Để cơ thể hấp thu chất sắt tốt nhất, mẹ bầu nên tuân thủ chế độ ăn dồi dào Vitamin C từ rau quả tươi (cam, chanh, cà chua…) bởi Vitamin C có chức năng giúp cơ thể tổng hợp chất sắt hiệu quả. Canxi thường không được tích lũy trong cơ thể mà sẽ tự động bị đào thải ra ngoài nếu dư thừa.

Ở mỗi thời điểm, cơ thể chỉ có thể hấp thụ tối đa 500mg canxi nên nếu cần bổ sung một lượng lớn canxi, mẹ bầu hãy uống nhiều làm nhiều lần trong ngày để cơ thể hấp thụ hết. Vitamin D là một nhân tố quan trọng giúp cơ thể hấp thu canxi tốt nhất. Do đó mẹ bầu cần kết hợp ăn bổ sung các thực phẩm giàu Vitamin D như sữa, lòng đỏ trứng và tăng cường tắm nắng để hấp thu Vitamin D.

Trong khi đó, đồ uống có ga, nước ngọt, cà phê và một số thực phẩm chứa nhiều axit photphoric sẽ thúc đẩy quá trình đào thải canxi của cơ thể. Chế độ ăn uống nhiều muối, nhiều chất béo cũng như các thực phẩm chứa axit phytic, axit oxalic cũng làm giảm sự hấp thụ canxi.

Không uống sắt và canxi cùng lúc

Đáng lưu ý là sắt và canxi là hai dưỡng chất quan trọng song kị nhau nếu uống cùng một thời điểm. Bởi vậy, nếu phải bổ sung đồng thời sắt và canxi, bà bầu nên uống cách quãng. Có thể uống canxi vào buổi sáng kết hợp với tắm nắng để hấp thu dễ hơn, buổi trưa hoặc chiều uống viên sắt. Việc sử dụng viên uống tổng hợp có chung thành phần canxi và sắt được khuyến cáo là làm mất tác dụng của cả hai dưỡng chất này.

Tốt nhất, bà bầu nên bổ sung viên đa vi chất có tách biệt thành phần sắt và canxi. Không nên uống sắt và canxi lúc đói hoặc trước giờ đi ngủ bởi chúng có thể gây nóng người khiến bà bầu khó chịu. Nên tránh xa trà, cà phê, coca và những đồ uống có ga bởi chúng cản trở sự hấp thụ của sắt và canxi trong cơ thể. Cần tăng cường ăn rau xanh, hoa quả, uống nhiều nước để hạn chế tình trạng táo bón, khó tiêu.

Việc bổ sung sắt và canxi trong giai đoạn mang thai là vô cùng cần thiết, song chị em cần sáng suốt, thông minh trong việc chăm sóc bản thân và bé yêu, để tránh những rủi ro không đáng có.

-> Bác sĩ phụ sản: "Nhiều bạn trẻ kể chuyện quan hệ tình dục từ lớp 8"Hà Linh

Tags:

bà bầu lạm dụng sắt

bà bầu uống canxi

cách uống sắt và canxi khi mang thai

bầu uống sắt

bầu uống canxi

ba bau lam dung sat

ba bau uong canxi

cach uong sat va canxi khi mang tha

Tin cùng chuyên mục