Giải mã hành vi ngỗ ngược của Hào Anh và đứa trẻ bị bạo hành
Sau khi ra viện, Hào Anh được đưa vào trung tâm bảo trợ, học văn hóa. Năm 16 tuổi, cậu bé muốn được tự do nên đã xin về với gia đình, theo bố dượng học nghề mộc. Tròn 18 tuổi, cậu trai mới lớn được trao cho số tiền từ thiện 800 triệu đồng thời gian qua được Sở Lao động quản lý giúp. Có tiền trong tay, chàng trai trẻ đã không chuyên tâm học và làm ăn mà sa đà vào các trò game, vui chơi cùng chúng bạn. Mới đây Hào Anh đập phá đồ đạc, chửi bới mẹ và cha dượng rồi mang quần áo của hai người ném ra sân, đuổi họ ra khỏi nhà. Cậu bé đã xin lỗi bố mẹ, nhưng hành vi của em vẫn được cộng đồng nhớ mãi.
Theo thạc sĩ Phạm Đức Chuẩn, Trung tâm nghiên cứu tâm lý trẻ em NT (Hà Nội) cho biết, thực tế những đứa trẻ từng bị bạo hành thể xác, khi lớn lên rất dễ có xu hướng bạo lực. Người ta từng nghiên cứu những trường hợp người lớn gây bạo hành và phát hiện 90% trong số họ từng bị trừng phạt về thân thể khi còn nhỏ.
Theo nhà tâm lý, không phải ai bị bạo hành lớn lên cũng sẽ hung bạo. Tương tự, tính cách bạo lực tổng hợp từ nhiều yếu tố mà thành chứ không chỉ duy nhất do từng trải qua cảm giác bị bạo hành. Trẻ được cha mẹ nuông chiều thái quá, ra xã hội cũng muốn làm trung tâm, khi không được thì dễ nổi xung. Trẻ bị thiếu thốn kéo dài cũng dễ hung tính. Trẻ tiếp xúc thường xuyên với phim ảnh, đồ chơi bạo lực cũng dễ bắt chước. Trẻ có những bức xúc nhưng thiếu kỹ năng giải quyết mâu thuẫn cũng có thể dùng tới bạo lực làm phương tiện...
Ở trường hợp của Hào Anh, hành vi dễ nổi xung, ngỗ ngược với cha mẹ cũng có thể là hệ quả từ một loạt sự kiện từ tuổi thơ: Thiếu thốn vật chất, tình yêu thương, sự chăm sóc của người thân khi còn nhỏ, bị kẻ khác (ngoài xã hội) đối xử tàn bạo gây tổn thương quá lớn về cả thể chất lẫn tinh thần. Được nhiều người quan tâm, trợ giúp về vật chất nhưng có lẽ em vẫn chưa được giáo dục các kỹ năng sống cần thiết, trong đó có kỹ năng giao tiếp để giải quyết xung đột thay vì bạo lực...
Theo nhà tâm lý Dương Kim Ngân, Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ và vị thành niên (CSAGA), trẻ em là đối tượng thực sự nhạy cảm, nỗi đau về mặt thể chất ngay từ khi còn nhỏ có thể khiến các con bị ám ảnh suốt đời. Nó có thể gây ra nhiều hậu quả hơn tất cả những gì mà chúng ta đã thống kê được:
- Trẻ thiếu tin tưởng vào mọi người.
- Trẻ sống khép kín, gặp trở ngại trong giao tiếp xã hội.
- Trẻ mặc cảm, thiếu tự tin vào bản thân.
- Trẻ hung hăng, bạo lực với mọi người, thậm chí có hành vi tự hại, ví dụ như căn bệnh tự cắt mình ở một số em từng bị bạo lực thể chất khi còn nhỏ. Các em luôn muốn tự làm đau mình để giảm stress căng thẳng.
- Trẻ có hành vi phạm tội nghiêm trọng và thù ghét cuộc sống xã hội.
- Mắc những di chứng của bị bạo hành và tự thân thấy kém hoàn thiện, thấy mình như đồ bỏ đi.
- Bạo hành thể chất thường ảnh hưởng nhiều cả đến tinh thần và sự phát triển tâm sinh lý của trẻ khi lớn lên, chẳng hạn một số người từng bị bạo hành khi còn nhỏ có một số hành vi lệch chuẩn về tình dục như khổ dâm, ác dâm…
Theo bà Ngân, mỗi giai đoạn phát triển của trẻ đều ứng với một số quy luật về tâm sinh lý. Có những giai đoạn trẻ cần được củng cố niềm tin, có những giai đoạn trẻ cần được trau dồi kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng hòa nhập cộng đồng. Và ở bất cứ giai đoạn nào của của sự phát triển ấy, trẻ nhỏ cũng có thể bị tác động và ảnh hưởng bới những hành vi bạo lực thể chất.
Tuy nhiên, với mỗi nhóm đối tượng gây bạo hành cho trẻ lại để lại một số ảnh hưởng khác biệt. Khi bị người ngoài bạo hành, chẳng hạn như trường hợp của Hào Anh, trẻ khi lớn lên sẽ luôn cảm thấy thiếu an toàn khi giao tiếp xã hội, sống khép mình hoặc bất cần, ngổ ngáo và hung hăng. Khi bị thầy cô, bạn bè bạo hành (bắt nạt học đường), trước tiên, trẻ sợ đến trường, không còn hứng thú với việc học tập, nẩy sinh nhiều hành vi tiêu cực như loạn, sợ hãi, hung hăng, bạo lực, thậm chí là muốn tự tử.
Khi bị chính người thân như bố mẹ gây bạo hành, trẻ thường thiếu tin tưởng vào gia đình, đặc biệt là việc có thể sống hạnh phúc trong một gia đình. Khi lớn lên, đến tuổi kết hôn, rất có thể các em sẽ bị chứng ám ảnh sợ lấy vợ, lấy chồng. Trẻ sẽ nghĩ môi trường gia đình không an toàn, và tốt nhất là nên sống một mình hoặc không sinh con để những chuyện trong quá khứ có thể lặp lại.
Bà Ngân còn nhớ rõ một trường hợp là chính người quen của mình. Hai anh em trai sống trong một gia đình bố mẹ không nghèo về vật chất nhưng thường xuyên cãi vã, đánh nhau. Cặp vợ chồng cũng thường xuyên dạy con bằng nắm đấm, cái tát, cây roi. Chuyện hai đứa trẻ bị hộc máu mũi vì mẹ tát, lằn da do bố vụt không hiếm. Cặp anh em trai cũng mau chóng học được tính bạo lực từ bố mẹ. Ở nhà, hầu như không ngày nào hai đứa không đánh nhau. Ở trường, chúng đều trở thành "đại ca", chuyên đi bắt nạt bạn học và là chủ các trò nghịch dại, đánh đấm. Lớn lên, cả anh lẫn em đều nghiện ngập và không có cuộc sống gia đình hạnh phúc, vợ chồng gây gổ, ly tán...
Tại sao trẻ từng bị bạo hành dễ có hành vi bạo lực với người khác? Nhà tâm lý giải thích: Với đầu óc non nớt của mình, trẻ thường tổng hợp những gì nhìn thấy và trải nghiệm để gây dựng phương pháp giải quyết cho mình. Ví dụ mỗi khi bị điểm kém, nghịch ngợm hay không nghe lời thì bị bố mẹ, thầy cô đánh, phạt, các con sẽ chắc chắn rằng bạo lực là cách tốt nhất để người khác khuất phục, nghe lời và sợ mình. Vô hình chung, những đứa trẻ đó sẽ đồng nhất bạo lực với quyền lực, thế mạnh và sẽ sử dụng chúng như cách gỉai quyết mỗi khi có bất đồng trong bất kỳ quan hệ nào. "Nếu bạn đánh con để chúng nghe lời thì sẽ đừng ngạc nhiên khi thấy con đánh bạn để đòi đồ chơi hay đánh em để gây dựng hành động như một người hùng", bà Ngân nói.
Theo nhà tâm lý, bị bạo hành rồi trở thành người bạo hành giống như một vòng xích không bị hàn kín. Chúng ta thường bối rối không biết làm thế nào để cắt đứt chúng. Tuy nhiên, may mắn là vòng xích này chắc chắn có những điểm yếu, và có lẽ chúng ta nên bắt đầu từ việc “chặt đứt” một số mắt xích có sơ hở. Ví dụ ở vụ việc của Hào Anh, cộng đồng đã giải cứu và chia sẻ cùng cậu những khó khăn khẩn cấp như hỗ trợ y tế, thuốc men, tiền… Đó là việc cần thiết, tốt nhất lúc bấy giờ nhưng còn rất nhiều mắt xích khác vây quanh cậu bé như vấn đề khủng hoảng niềm tin vào gia đình; làm sao cậu lấy lại hoàn toàn niềm tin vào bố mẹ khi đã bị bỏ mặc trong suốt một thời gian dài; khủng hoảng niềm tin vào con người và xã hội như làm sao cậu thoát khỏi sự bất an khi từng kêu cứu mà chẳng ai giúp đỡ…
Sợi xích bạo lực thực sự là một vòng tròn khó phá vỡ, nhiều khi chúng ta phải kiên trì và nhẫn lại tháo gỡ từng chút một. Mà để tháo gỡ được chúng, thực sự cần rất nhiều nguồn lực và sự kết hợp từ các tổ chức xã hội, cơ quan công quyền, truyền thông… và mỗi người trong chúng ta.
Vương Linh
Đời Sống
hạnh
của
bị
giải
báo
trẻ
dưa
ngờ
ngược
hảo
Tin cùng chuyên mục