Chum bột khoai chống đói của mẹ
Gần một tuần nay, thời tiết nồm, mưa phùn ẩm ướt. Nhóm hưu trí chúng tôi không đi được đâu xa nên ngồi nói chuyện gẫu với nhau. Bỗng nhiên một bà bảo “giá có nồi khoai, sắn, hay ngô luộc ăn cho vui nhỉ?”. Thế là chúng tôi có ngay một chủ đề để chuyện trò râm ran.
Nghe mọi người nói chuyện, tôi bỗng nhớ đến hình ảnh những chum bột khoai của mẹ năm xưa.
Ảnh minh họa: Lê Dương
Trước đây sản lượng lúa còn thấp. Phần lớn các nhà đều không đủ gạo ăn nên thường trồng thêm ngô, khoai hay sắn để bù đắp cho phần lương thực thiếu hụt đó.
Ở quê tôi, nhà nào cũng trồng giống khoai lang dài ngày. Thông thường, chúng tôi trồng vào tháng Chạp, thu hoạch vào tháng Năm hoặc tháng Sáu nên củ to và chắc.
Sau khi thu hoạch, khoai để cả củ lâu sẽ tự lên mầm hoặc bị hà, dím không ăn được nữa. Vì vậy để giữ được số lương thực dự phòng này, người xưa có một cách hết sức độc đáo. Đó là những ngày hè, sau khi thu hoạch vụ Chiêm xong, mọi người chọn ngày nắng, đem những củ khoai to ngon không bị dím, rửa sạch sẽ, để ráo nước.
Sáng sớm hôm sau người nông dân dùng cái bàn có gắn dao để thái những củ khoai thành từng lát mỏng. Nhà nào nhiều khoai thì phải dùng nhiều bàn thái mới kịp phơi nắng. Nếu không khoai sẽ bị chảy nhựa thâm và bột sẽ không thơm ngon.
Các lát khoai vừa thái được mang ra phơi trên các sân gạch đã được quét dọn sạch sẽ. Khoai phơi tầm một nắng sẽ nhỏ lại, mềm và dẻo, trở thành món ăn khoái khẩu mà bọn trẻ con chúng tôi rất thích.
Khi phải ngồi trông sân khoai, không cho gà vào bới, chúng tôi thường chọn những lát khoai to, dày xiên vào các thanh tre đem nướng rồi mang ra chia nhau ăn rất thú vị. Món ăn không giống vị khoai luộc mà vừa có vị cháy, vừa có vị ngọt bùi của khoai nướng. Sau khi ăn, miệng đứa nào cũng nhọ nhem.
Để có những mẻ khoai ngon, đảm bảo chất lượng, ngoài việc chọn lựa khoai không bị hà, dím còn phải có người coi sóc cẩn thận, đảo cho đều, được nắng và đặc biệt không bị dính nước mưa.
Sau khi phơi liên tục mấy ngày nắng, thấy các miếng khoai đã khô giòn thì đợi ngày nắng nhất, khoảng giữa trưa, mọi người gom khoai ở sân lại, bỏ vào cối để giã nhỏ ra.
Tùy theo cối nặng hay nhẹ mà có thể một hoặc hai người đạp cối, còn một người ngồi ở đầu cối, dùng khăn trùm kín đầu rồi dùng tay liên tục đảo các mảnh khoai cho cối giã nát đều. Khi nào thấy cối bột nhỏ mịn sẽ đem bột khoai đổ vào những cái chum đã được chuẩn bị sẵn.
Phần trên cùng của chum được lót một lớp lá chuối khô. Sau đó người nông dân lấy túi nilon bịt kín rồi dùng mảnh gỗ đậy lên trên và bảo quản ở nơi khô ráo.
Những hôm giã khoai, bụi của bột khoai mù mịt. Bọn trẻ con chúng tôi thi nhau chạy đến hớp những làn bụi ấy vào miệng, cảm nhận vị ngọt của bột khoai. Vì thế đầu tóc, lông mày, lông mi, quần áo đứa nào cũng phủ một lớp bột trắng xóa.
Năm nào cũng vậy, những chum bột khoai tùy từng nhà sẽ có cách sử dụng khác nhau. Có nhà đem nấu lẫn với cơm ăn thường ngày, có nhà nấu riêng ăn vào bữa phụ... Nhưng mẹ tôi thường nấu bột khoai cùng với ít gạo nếp, lạc. Nấu xong mẹ mang ra nắm thành từng nắm nhỏ, chia cho mấy đứa con ăn sáng để đi học, đi làm.
Lúc bấy giờ được ăn như thế là chúng tôi hạnh phúc lắm. Bao nhiêu năm rồi mà tôi vẫn không quên được hương vị của nắm bánh bột khoai. Nó vừa có chất dẻo của cơm nếp, có vị ngọt của khoai, lại thêm vị bùi của lạc.
Ngày nay, khoa học kỹ thuật phát triển, cây lúa cho năng suất cao, người dân không còn phải lo thiếu lương thực ngày giáp hạt nữa.
Quê chúng tôi bây giờ vẫn trồng ngô, khoai, sắn nhưng là những giống ngắn ngày, để tạo ra giá trị kinh tế cao. Người nông dân cũng không còn cảnh thái, phơi và giã khoai, không có những chum bột khoai để dành nữa. Nhưng dù sao những hình ảnh ấy vẫn in sâu trong ký ức của tôi cũng như bao người cùng thời đó.
Tags:bột khoai
bánh khoai
Tin cùng chuyên mục