Bí quyết hôn nhân của những đôi vợ chồng bách niên giai lão
Lần đầu tiên họ gặp nhau là năm 1929, khi Maurice mới 17 còn Helen 16 tuổi. Lúc đó, Helen đang trông cửa hàng giúp mẹ ở Walworth, phía nam London; còn Maurice là con trai của người đàn ông muốn đưa hàng cho cửa hàng. Maurice đã “ngồi lì” ở cửa hàng suốt 3 tiếng đồng hồ khiến mẹ vợ tương lai vô cùng sốt ruột. Chiếc ôtô của bố con nhà Maurice đã thu hút được sự quan tâm của Helen bởi thời đó không nhiều người có xe hơi. "Chiếc xe đã khiến ông ấy trở nên thật thú vị", bà Helen nhớ lại. Cặp đôi phải chờ đến năm 1934 mới được về sống cùng một nhà bởi mẹ của Helen muốn chị gái của bà làm đám cưới trước.
Trong 8 thập kỷ sống bên nhau, cả hai đã cùng chia sẻ biết bao khoảnh khắc khó khăn: Cái chết của cậu con trai Anthony năm bé 4 tuổi vì bệnh ruột thừa; con gái Lesley bị khối u ở não qua đời khi mới 30 tuổi; hay toàn bộ nhà cửa, công xưởng và cửa hàng của gia đình bị tàn phá trong thế chiến thứ hai. Bất chấp những bi kịch đó, họ vẫn mỉm cười cùng nhau, điều đó giúp họ đạt được đến mốc đám cưới cây sồi. Bà Kaye nói: "Hôn nhân tồn tại vì cả hai chúng tôi đều có những cảm giác hài hước vui vẻ như nhau, chúng tôi cùng cười vì những điều tương tự nhau”.
Hiện giờ, vợ chồng ông bà có 2 người con còn sống, 7 cháu và 6 chắt. Ông bà có một người giúp việc, sống cùng nhà với mình. Hai ông bà vẫn thường chơi bài cùng nhau.
Người con trai Larry Kaye (66 tuổi) cho rằng bí quyết sống trường thọ của cha mẹ mình chính là biết đặt những mục tiêu để phấn đấu: "Cha mẹ tôi từng muốn sống để gặp các cháu của mình, và bây giờ họ muốn được chứng kiến các chắt trưởng thành như thế nào".
Cặp vợ chồng đang giữ kỷ lục hôn nhân dài nhất thế giới còn sống (hơn 88 năm), ông bà Karam Chand và Kartari Chand, bí quyết gìn giữ hôn nhân chính là cùng nhau làm nhiều việc như thưởng thức các bữa ăn, đi nhà thờ và vượt qua những giai đoạn gian khó.
Ông Karam Chand sinh ra trong một gia đình nông dân tại Ấn Độ. Theo truyền thống gia đình, ông kết hôn từ rất sớm, vào tháng 12/1925 khi mới 20 tuổi. Cô dâu Kartari là người cùng địa phương, lúc đó mới 13 tuổi.
Cả hai hiện sống tại Bradford (Anh), nơi họ bắt đầu định cư từ năm 1965. Theo ông Chand, ông bà không có bí mật gì đặc biệt để sống trường thọ và có một cuộc hôn nhân lâu dài như vậy. Ông vẫn ăn và uống bất cứ thứ gì mình thích nhưng ở một mức độ vừa phải. Ông không bao giờ kìm hãm việc tận hưởng cuộc sống của mình. Mỗi ngày trước bữa tối, ông vẫn hút một điếu xì gà. Ông uống 3 ly rượu mỗi tuần.
Ông bà Chand có 8 con, 27 cháu và 23 chắt. Họ sống cùng người vợ chồng người con út tên là Sapal. Sapal cảm thấy thật may mắn khi được sống cùng cha mẹ, được nhìn thấy cha mẹ mỗi ngày chính là món quà vô giá. Sapal nghĩ rằng giữ cho đầu óc của những người già hoạt động chính là chìa khóa để giúp họ minh mẫn và khỏe mạnh. "Nếu có đặc quyền chăm sóc cha mẹ, bạn phải gắn họ vào tất cả các hoạt động của gia đình, không bao giờ cáu gắt với họ, luôn giữ họ hạnh phúc để họ luôn mong chờ được thức dậy vào sáng hôm sau". Sapal cho biết gia đình mình luôn ăn những thức ăn lành mạnh, đặc biệt rất thích sữa và sữa chua, họ không thích những món chế biến sẵn.
Ông Chand hiện giờ không thể tự đi lại, muốn đi đâu cũng cần có người giúp. Bà Chand vẫn năng động.
Còn bí quyết giữ gìn hôn nhân của cặp vợ chồng có hôn nhân dài nhất nước Mỹ Norma Burmah (hơn 83 năm) là không bao giờ nghĩ đến chuyện ly dị. Hai ông bà kết hôn vào ngày 26/1/1931. Khi được hỏi làm thế nào có thể sống với nhau trong nhiều năm như vậy, cụ bà hiện 100 tuổi cho biết vợ chồng mình là người công giáo, không có khái niệm ly dị và chia tay trong suy nghĩ. Hai ông bà yêu nhau ngay từ cái nhìn đầu tiên, trong một lần gặp tại nhà thờ vào sáng chủ nhật.
Ông Norman Burmah (103 tuổi) cho rằng duy trì một cuộc hôn nhân là không hề dễ dàng, nhưng đó là những gì ông đã hứa trong ngày cưới và ông đã thực hiện điều đó mỗi ngày trong suốt bao nhiều năm qua. Không có gì là ngoại lệ, tất cả đều rất bình thường. "Duy trì hôn nhân cần tình yêu, sự quan tâm và kiên nhẫn".
Ông cho biết mình không thường xuyên khuyên bảo những người trẻ làm thế nào để giữ hôn nhân, chủ yếu bởi ngày nay nữ giới đã trở nên độc lập hơn. "Sau thế chiến thứ hai, người phụ nữ bắt đầu đi làm, họ không còn phụ thuộc vào nam giới như trước nữa, tôi nghĩ người đàn ông ngày nay còn phụ thuộc vào họ", ông nói. Các cặp đôi trẻ ngày này thường suy nghĩ nhiều đến chuyện ly hôn, họ thường tự hỏi có nên tiếp tục hôn nhân hay không, không như ngày trước, không bao giờ có khái niệm ly dị. Ông cụ nhắc: "Biết đâu, đến ngày mai, họ lại thay đổi suy nghĩ của mình. Hãy thử xem, bạn đừng cố dừng cuộc hôn nhân của mình và bạn sẽ thấy được giá trị của nó".
Hai ông bà vẫn tự lập trong cuộc sống của mình dù hàng ngày đều có người giúp việc trợ giúp. Thỉnh thoảng bà vẫn nấu ăn cho chồng. Bà thường dậy sớm và pha cà phê cho ông. Đôi khi bà làm món trứng tráng kiểu Pháp để ông ăn sáng với bánh mì. Ông bà từng là chủ của một công ty tư nhân chuyên về dịch vụ phục vụ tại New Orleans, nơi họ sống phần lớn cuộc đời của mình. Năm 2005, cơn bão Hurricane Katrina đã phá hủy ngôi nhà của họ tại đây, vì thế họ chuyển đến Marksville để sống gần con gái.
Theo thống kê của từ điển bách khoa trực tuyến wikipedia, hiện nay trên thế giới có 22 cặp vợ chồng kết hôn được hơn 80 năm vẫn đang tiếp tục nối dài những ngày tháng sống bên nhau.
Kim Anh (Theo BBC, The Advocate)
Đời Sống
của
chống
nhăn
lão
vỡ
hôn
Những
giải
đời
niên
quyết
Bạch
Tin cùng chuyên mục