Bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng đang vào đỉnh dịch
Báo cáo của Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố cho thấy, hiện 80% số phường xã trên toàn thành có ca bệnh sốt xuất huyết. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn đã ghi nhận 5 trường hợp tử vong vì căn bệnh này. Số ca bệnh nhập viện ngày càng nhiều đang gây áp lực cho lĩnh vực điều trị tại các bệnh viện.
BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng nhận định, càng đi sâu vào mùa mưa sốt xuất huyết các diễn biến phức tạp hơn. Các công trình xây dựng, những khu vực nước sạch tù đọng trong khu vực dân cư nhưng không được khai thông đang tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi gây bệnh sinh sản và phát triển.
Trước tình hình trên BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế yêu cầu các đơn vị trực thuộc tại tuyến quận huyện đẩy mạnh kiểm tra, xử lý những khu vực có yếu tố nguy cơ phát dịch. Các bệnh viện chủ động về vật tư trang thiết bị và thuốc men để cứu chữa cho người bệnh không để những trường hợp đáng tiếc xảy ra vì bệnh sốt xuất huyết.
BS Trí Dũng khuyến cáo người dân cần chủ động phòng tránh bệnh sốt xuất huyết, bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình bằng những biện pháp đơn giản như: thường xuyên kiểm tra khai thông các khu vực nước sạch tù đọng quanh nhà; phát quang bụi rậm; úp hoặc đậy kín những vật dụng chứa nước không sử dung đến; thường xuyên ngủ mùng… Tay chân miệng diễn biến khó lường Cùng với sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng trên địa bàn thành phố cũng đột ngột tăng cao trong tháng 9. Các địa phương gồm quận 6, quận 8, Tân Phú, Tân Bình, Bình Thạnh số ca mắc tay chân miệng đã tăng hơn 100% so với số ca bệnh trung bình của các tháng trước. Cộng dồn trong 9 tháng đầu năm cho thấy, số ca tay chân miệng đã tăng 19% so với cùng kỳ năm trước (2013 có 3.906 ca, 2014 có gần 4.700 ca).
Liên quan đến trường hợp bệnh nhi 8 tháng tuổi mắc tay chân miệng độ IV tử vong tại bệnh viện Nhi Đồng 1, Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố cho biết đã tiến hành điều tra dịch tễ và tiêu độc khử trùng quanh khu vực bé sinh sống. Kết quả điều tra dịch tễ ghi nhận, trước khi bệnh nhi có biểu hiện bệnh thì chị gái của bé (2 tuổi đã đi nhà trẻ) có biểu hiện bị loét miệng, họng. Qua khảo sát thực tế, bước đầu Trung tâm Y tế Dự phòng nhận định, nguy cơ vi rút gây bệnh cho bệnh nhi xấu số đã lây nhiễm từ trường học qua người chị. Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố yêu cầu ngành y tế địa phương giám sát chặt chẽ tình trạng sức khỏe của nhóm trẻ trong độ tuổi mầm non, mẫu giáo trên địa bàn. Ngày 1/10, TS.BS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế cho biết, Sở đã chỉ đạo phòng Nghiệp vụ Y lập Hội đồng chuyên môn tìm hiểu nguyên nhân dẫn tới tử vong của bệnh nhi trên.
Trước tình hình bệnh tay chân miệng gia tăng nhanh, BS Nguyễn Trí Dũng nhận định, bệnh có thể đang trong giai đoạn bước vào đỉnh dịch thứ 2 của năm. Những ca tay chân miệng nhập viện chỉ là trường hợp chỉ điểm, nếu không xử lý triệt để, khả năng dịch bùng phát vào 3 tháng cuối năm là rất lớn. BS Nguyễn Trí Dũng yêu cầu Trung tâm Y tế Dự phòng tại các quận huyện tích cực phối hợp với ngành giáo dục trên địa bàn để kịp thời hỗ trợ khi có ca bệnh hoặc ổ bệnh tay chân miệng xuất hiện. Ông cũng khuyến cáo với những trường hợp trẻ nghi mắc bệnh hoặc đã mắc bệnh, phụ huynh nên thực hiện biện pháp các ly cho trẻ nghỉ học ít nhất 1 tuần để hạn chế nguy cơ lây nhiễm cho những bé khác. Trung tâm Y tế Dự phòng khuyến cáo các bậc cha mẹ phụ huynh và người chăm sóc trẻ cần giữ giàn sạch sẽ vệ sinh các nhân, thực hiện vệ sinh hàng ngày, khử khuẩn hàng tuần đối với đồ chơi của trẻ và khu vực trẻ vui chơi. Thực hiện ăn chín uống sôi, không cho trẻ ăn uống chung muỗng đũa, bát chén, rửa tay thường xuyên cho trẻ và người giữ trẻ bằng xà phòng. Nếu phát hiện có dấu hiệu nghi nhiễm tay chân miệng, cần sớm đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám, điều trị kịp thời. Vân Sơn
Nữ Giới
sốt
bệnh
đang
dính
chân
Vào
xuất
miệng
huyết
dịch
Tin cùng chuyên mục