Bão đổ bộ vào Quảng Ninh, cấm tất cả phương tiện qua cầu Bãi Cháy
23h55, theo báo cáo của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ninh, tính đến thời điểm này, bão Kalmaegie đã làm 8 nhà bị đổ, tốc mái; thiệt hại 450ha hoa màu; 1 cột tiếp sóng truyền hình (loại nhỏ) bị đổ. Ước tính thiệt hại khoảng 5 tỷ đồng.
Bão Kalmaegi gây mưa to và gió giật mạnh tại TP Hạ Long (Ảnh: Báo Quảng Ninh).
23h30, toàn tỉnh Quảng Ninh đã có 7 nhà bị tốc mái, trong đó huyện Đầm Hà 3 nhà, Hạ Long 2 nhà, Móng Cái 2 nhà; nhiều cây xanh gãy đổ.
Trước đó, tin từ HĐND tỉnh Quảng Ninh cho biết, Thường trực HĐND tỉnh đã hoãn tổ chức kỳ họp chuyên đề thứ 16 HĐND tỉnh để cùng với lãnh đạo tỉnh tham gia công tác chỉ đạo phòng chống cơn bão số 3.
23h20, tại Hải Phòng đang có mưa lớn kèm theo gió mạnh. Nhiều quận huyện đang mất điện.
Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Thành phố Hải Phòng cho biết, từ 11h trưa nay, địa phương này đã tổ chức sơ tán và thực hiện biện pháp đảm bảo an toàn ở các khu vực nguy hiểm cho 13.406 người.
23h19, theo thông tin từ Báo Quảng Ninh, do gió giật mạnh, để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện qua cầu Bãi Cháy, các lực lượng chức năng đã thực hiện việc cấm hoàn toàn các phương tiện qua cầu Bãi Cháy từ 23h00 tối nay.
23h5, ông Nguyễn Văn Nhân, Chủ tịch TP. Cẩm Phả (Quảng Ninh) thông tin, trên địa bàn TP. Cẩm Phả gió vẫn đang mạnh, mưa lớn hơn. Một số địa phương bị mất điện do ảnh hưởng của bão. Khu vực thành phố vẫn đang có điện. Theo báo cáo nhanh của các địa phương, không có thiệt hại về người, một số cây xanh gãy đổ.
22h55, ông Lê Văn Hơn, Chủ tịch UBND huyện Hải Hà (Quảng Ninh), cho hay, hiện tại, gió đã giảm, chỉ có mưa nhỏ. Trên địa bàn huyện có khoảng gần 10 căn nhà bị tốc mái và nhiều cây xanh bị đổ.
22h50, ông Nguyễn Đình Trung, Phó Chủ tịch TP. Uông bí (Quảng Ninh) cho biết, khi bão đổ bộ vào đất liền đã gây mưa lớn, gió giật cấp 9, 10. Hiện tại, gió đã giảm, mưa cũng ít hơn. Ước tính ban đầu có khoảng 100ha lúa bị hỏng, chưa ghi nhận thiệt hại về người.
22h45, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Thái Bình cho biết, do ảnh hưởng của bão, trên toàn tỉnh có mưa từ 18h chiều ngày 16/9. Đến 22h45 phút, tại thành phố Thái Bình và các huyện trong tỉnh có mưa lớn kèm theo gió mạnh. Hiện tại, chưa có thống kê thiệt hại về người và của do cơn bão gây ra.
22h30, ông Vũ Văn Diện – Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) cho biết, lúc 22h, liên tiếp có những cơn gió giật mạnh cấp 11. Hiện tại, trên địa bàn huyện có mưa rất to, gió giật cấp 8 cấp 9. Một ngôi nhà cấp 4 ở xã Hải Lạng bị sập hoàn toàn. Nhiều cây cối bị đổ. “Ngôi nhà cấp 4 bị đổ có 6 người sinh sống. Tuy nhiên, trước khi bão đổ bộ, chúng tôi đã di dời những người này đến nơi an toàn. Do vậy, không có thiệt hại về người” – ông Diện cho hay.
Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Ninh cho biết, mưa lớn nhất là ở Cô Tô (160mmm). Theo báo cáo sơ bộ, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã có 5 nhà bị tốc mái do mưa bão, trong đó Thành phố Móng Cái có 2 nhà bị tốc mái, huyện Đầm Hà có 3 nhà bị tốc mái.
Ông Phạm Minh Chính, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh (áo xanh) kiểm tra công tác phòng chống bão tại Cảng Cái Rồng. (Ảnh: Báo Quảng Ninh)
22h20, ông Lê Thanh Hải, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, cho biết, 21h bão bắt đầu đổ bộ vào vùng đất liền Quảng Ninh với sức gió cấp 9, cấp 10, giật cấp 12. Hiện tại, bão vẫn đang nằm trong vùng đất liền Quảng Ninh, di chuyển lên các tỉnh Bắc Giang, Yên Bái. Ở TP. Hạ Long đang có mưa lớn, gió mạnh. Ở huyện đảo Cô Tô, lượng mưa đo được 111mm, những nơi khác, mưa từ 50-80mm.
“Ghi nhận ban đầu ở TP Hạ Long mới chỉ có một số cây đổ dọc tuyến quốc lộ và trong thành phố. Chưa có thiệt hại về người. Sau bão, trên địa bàn tỉnh sẽ có mưa lớn”, ông Hải chia sẻ.
Gió lớn quật đổ biển quảng cáo và xe máy ở Móng Cái (Quảng Ninh) (Ảnh: Lê Quang Đức)
22h, ghi nhận ban đầu tại Đồ Sơn (Hải Phòng), một số cây bị ngã đổ. Chưa ghi nhận nhà tốc mái. Hiện tại, mưa gió đã giảm. Điện tại khu vực này đã bị mất.
21h, tại Hà Nội, mưa lớn bắt đầu trút xuống, gió thổi mạnh. Hiện tại trên đường hầu như chỉ còn xe ô tô lưu thông.
Tại Hà Nội, mưa lớn đang trút xuống, gió thổi mạnh.
Theo bản tin phát lúc 21h của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn TƯ: Hồi 20 giờ ngày 16/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,2 độ Vĩ Bắc; 107,8 độ Kinh Đông, trên vùng biển tỉnh Quảng Ninh. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 - 10 (tức là từ 75 đến 102km một giờ), giật cấp 11, cấp 12. Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25 - 30km. Ở khu vực Bắc vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả các huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô, Vân Đồn, Cát Hải) có gió mạnh cấp 9 – 10, giật cấp 12 – 13, sóng biển cao 5 - 6m. Biển động rất mạnh. Vùng tâm bão đang đi vào đất liền tỉnh Quảng Ninh, sau đó dần suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và tiếp theo là một vùng áp thấp. Đến 8 giờ ngày 17/9, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 22,3 độ Vĩ Bắc; 104,6 độ Kinh Đông, trên khu vực vùng núi Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39km một giờ). Đêm nay (16/9), ở các tỉnh Hải Phòng, Lạng Sơn, Bắc Giang có gió mạnh cấp 7 – 8, giật cấp 9 – 10, riêng tỉnh Quảng Ninh có gió mạnh cấp 9 – 10, giật 11 - 12. Các nơi khác ở phía Đông Bắc Bộ có gió mạnh cấp 5 – 6, giật cấp 7 - 8. Ở Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, riêng khu Đông Bắc và vùng núi phía Bắc có mưa to đến rất to. |
Tại Quảng Ninh:
21h30, ông Lê Minh Hải, Chủ tịch UBND huyện Ba Chẽ cho hay, mưa đang to, gió vù vù giật cấp 8, 9. Các cây ở trên đường bị gió thổi nghiêng. Điện mất trên diện rộng lúc 17h. Hiện tại chưa ghi nhận thiệt hại về người và của. Huyện đã di dời 423 hộ dân ở khu vực xung yếu vào nơi an toàn.
21h20, ông Đặng Sinh, Chủ tịch UBND huyện Bình Tiêu cho hay, mưa lớn từng đợt đang trút xuống. Gió đang ở cấp 8, cấp 9. Điện vừa bị mất. Đến thời điểm hiện tại, chưa ghi nhận ngôi nhà nào tốc mái.
Mưa lớn trút xuống Thành phố Hạ Long (Ảnh: báo Quảng Ninh)
21h10, trao đổi với PV, ông Nguyễn Đức Thành, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô cho biết, mưa bắt đầu từ lúc 13h chiều, hiện tại, đang có mưa lớn, gió cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Lượng mưa đo được là 154mm.
“Dù bão chưa đổ bộ nhưng hiện tại ở Cô Tô đang bị mất điện. Đã có một số cành cây bị gãy.”, ông Thành nói.
21h, tại Thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), ông Hoàng Quang Hải, Phó Chủ tịch UBND thành phố thông tin, hiện tại mưa đã bắt đầu lớn hơn, gió cấp 6, 7. Trước mắt đã ghi nhận một vài nhà dân bị tốc mái, một số cây nhỏ bị đổ.
Trước khi bão đổ bộ, 739 tàu đánh bắt cá xa bờ đã về nơi neo đậu an toàn. 527 tàu di lịch cũng đã vào cảng tránh bão. Di dời 12 hộ dân ở các điểm có nguy cơ sạt lở vào trường học, nhà dân kiên cố.
“Hiện tại chủ tịch thành phố đang xuống khu làng chài phường Hà Phong đôn đốc, kiểm tra việc chằng chống nhà cửa”, ông Hải nói.
Quảng Ninh có mưa nhỏ, gió đang ở cấp 4, 5 (Ảnh: Hà Thanh)
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Nhân, Chủ tịch UBND TP. Cẩm Phả cho biết, khoảng 15h chiều nay, tỉnh Quảng Ninh bắt đầu bị ảnh hưởng bão Kalmaegi. Hiện tại, mưa đang bắt đầu lớn hơn, gió đang ở cấp 4, cấp 5. Do bão chưa đổ bộ vào đất liền nên mọi sinh hoạt của người dân vẫn diễn ra bình thường, hàng quán vẫn mở…
Theo báo cáo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ninh, đến 16h30 phút ngày 16/9, tỉnh đã di dời hơn 10.700 người ở nơi xung yếu, lồng bè vào nơi tránh trú bão an toàn.
Ngay sau khi tỉnh họp bàn công tác triển khai phòng chống cơn bão số 3, ông Nguyễn Văn Đọc, Chủ tịch UBND tỉnh đã trực tiếp đi kiểm tra công tác phòng chống bão tại huyện Vân Đồn, TP Cẩm Phả.
Ông Đọc đã yêu cầu các quận, huyện rà soát, kêu gọi tất cả các phương tiện tham gia khai thác thủy sản về nơi tránh trú bão an toàn, cấm các phương tiện tàu thuyền ra các xã đảo; di dời lồng, bè nuôi trồng thủy sản về nơi tránh trú bão, chỉ để một người trông phương tiện; các hộ dân có nhà tạm, nhà cấp 4 phải di dời vào các nhà kiên cố như trường học, cơ quan đơn vị…
Tàu, lồng bè ở Quảng Ninh đã vào nơi neo đậu an toàn (Ảnh: Hà Thanh)
Theo tin từ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ninh, để đề phòng, đối phó với bão, chỉ huy đơn vị đã có điện chỉ đạo tất cả các đơn vị trực thuộc phải huy động lực lượng trực 100% quân số. Đồng thời, chuẩn bị 3 tàu, 2 xuồng, 6 xe thiết giáp, 4 ô tô sẵn sàng nhận lệnh thực hiện nhiệm vụ phối hợp tìm kiếm cứu, cứu nạn trên địa bàn tỉnh.nHiện có gần 500 tàu du lịch, chủ yếu hoạt động trên vùng biển Vịnh Hạ Long đã vào nơi tránh trú bão an toàn.
Theo cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh, đến thời điểm chiều ngày 16/9, các địa phương đã sẵn sàng ứng phó với bão Kalmaegi.
Tại Hải Phòng:
Đến 16 giờ chiều nay (16/9), ông Hoàng Đình Bình, Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn cho biết, quận đã hoàn tất công tác phòng chống cơn bão số 3. Người dân trên các tàu thuyền, trẻ tàn tật ở Công ty Thiện Giao đã được đưa về nơi tránh trú bão an toàn. Toàn bộ các nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ tại khu du lịch đã đóng cửa, thực hiện chằng chống đảm bảo an toàn tài sản.
18 trẻ khuyết tật tại Công ty Thiện Giao đã được sơ tán về tạm lánh tại gia đình ông Vũ Văn Việt, tổ 3, phường Ngọc Xuyên
Tại các vị trí đê, kè, cống xung yếu; các công trình đang thi công, UBND quận kết hợp với các lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố.
Khoảng 16 giờ 30 phút chiều cùng ngày, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn quận Đồ Sơn nhận được tin báo tại khu vực cửa biển sông Lạch Tray thuộc vùng ven biển Đồ Sơn một chiếc tàu nạo vét bùn đang neo đậu đã điện báo cho Đồn biên phòng 38 (Bộ Chỉ huy biên phòng Hải Phòng) đưa lực lượng ra cưỡng chế, yêu cầu nhổ neo, chạy vào khu vực tránh trú bão.
Mặc dù bão chưa vào nhưng đến thời điểm này, tại khu vực vùng biển Đồ Sơn đã có mưa to, gió mạnh; nước biển bắt đầu đang lên.
Các nhà hàng, khách sạn khẩn trương chằng chống nhà cửa
Tại huyện đảo Cát Hải, Ủy ban nhân dân, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Cát Hải đã thành lập 2 đoàn công tác chỉ đạo PCLB tại các xã, thị trấn và các địa bàn trọng điểm (Vụng, vịnh khu neo đậu tránh trú, các tuyến đê, kè xung yếu,..); duy trì thường xuyên công tác thông tin chỉ đạo trước, trong và sau bão. Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.
Tất cả tàu thuyền, lồng bè, người lao động đã được di chuyển về vị trí neo tránh trú bão an toàn trên vịnh Lan Hạ, khu neo tránh trú bão Trân Châu.
Hiện trên đảo Cát Bà còn 103 khách du lịch lưu trú (15 người là khách nước ngoài, 88 người là khách trong nước).
* Nhấn F5 để cập nhật
bại
bộ
cắm
đỡ
Vào
Tiên
Phương
cầu
báo
tật
Cháy
Quảng
cả
Tin Tức Trong Ngày
ninh
Tin cùng chuyên mục