"Bánh đúc có xương" - Giản dị, nhân văn, lay động khán giả
Đề tài hot, được quan tâm
Từ lâu nay, chuyện dì ghẻ - con chồng, mẹ chồng - nàng dâu, vợ chồng ly hôn luôn là một đề tài được tranh luận nhiều trên các diễn đàn mạng cũng như ngoài đời. Những câu chuyện muôn thuở xung quanh đề tài này có thể được bàn luận hàng ngày không hết bởi "mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh". Lấy ý tưởng từ câu ca dao: "Mấy đời bánh đúc có xuơng, mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng", Bánh đúc có xương khắc họa nên câu chuyện những người phụ nữ phải khổ sở khi đi làm dâu nhà mẹ chồng khó tính, hay chuyện dì ghẻ "đau đầu" vì con riêng của chồng tai quái. Rồi việc vợ chồng nuôi dưỡng con cái sau khi ly hôn, sự phát triển của những đứa trẻ ở tuổi mới lớn khi chứng kiến gia đình tan vỡ. Tất cả đã tạo nên sự hấp dẫn và kịch tính cho bộ phim.
Bánh đúc có xương khai thác đề tài mẹ kế con chồng, mẹ chồng - nàng dâu vốn rất được dư luận quan tâm
Bánh đúc có xương quay quanh câu chuyện Bảo Khánh mẹ mất từ nhỏ, lớn lên sống cùng bố, chú và bà nội. Hơn 20 năm sau, bố cô và một người phụ nữ có con chung nên kết hôn. Ban đầu cô cực lực phản đối mối quan hệ này, bà nội cô vì bênh cháu gái cũng ghét con dâu. Tuy nhiên, khi đến chính bản thân Bảo Khánh đi làm "dì ghẻ", cô mới thực sự cảm nhận được nỗi khổ của những người phụ nữ có con chồng.
Xoay quanh câu chuyện của Bảo Khánh là những mối quan hệ chằng chịt khác như chuyện Chí Kiên (chồng Bảo Khánh và vợ cũ), chuyện chú ruột Bảo Khánh - một trai tân hơn 40 tuổi chưa vợ lại mê đắm Chi - vợ cũ Chí Kiên. Bên cạnh đó, Tuyết (thầy bói) - cô gái gần 30 mà chưa có chồng thì yêu chú ruột Bảo Khánh trong khi cô cũng có một "phi công trẻ" khác theo đuổi. Song song đó là những tình huống hài hước, thú vị của mẹ ruột Chi, của chú ruột Bảo Khánh... chính điều đó đã tạo nên sự lôi cuốn khiến những khán giả truyền hình mỗi tối đầu tuần ngồi trước màn ảnh nhỏ.
Dàn diễn viên gạo cội, chuyên nghiệp
Có được thành công của bộ phim, có thể nói, công lao chính ngoài kịch bản và đạo diễn là ở đội ngũ diễn viên gạo cội phía Bắc. Đó là NSƯT Ngọc Lan đã vào vai bà mẹ chồng vô cùng khó tính, xét nét con dâu nhưng lại bênh cháu gái. Là hình ảnh nhẫn nhịn, cam chịu của NSƯT Đỗ Kỷ trong vai bố ruột Bảo Khánh. Là sự hóa thân khá đạt vào vai ông bố hiền lành nhưng khá cục "gà trống nuôi con" của diễn viên Hồng Minh vai Chí Kiên. Và chắc chắn, không thể kể đến diễn viên Nguyệt Hằng với vai người phụ nữ bỏ chồng sang nước ngoài, đến khi về nước tìm mọi cách để giành lại. Xem Nguyệt Hằng diễn, dù "ghét" cái tính mưu mẹo, đanh đá của cô nhưng khán giả vẫn không thể không cảm thương, chua xót cho những phụ nữ sau ly hôn. Đặc biệt, vai diễn Hoài Anh của cô bé diễn viên nhí Hà Anh cũng rất xuất sắc khi khắc họa hình ảnh đứa con chồng tai quái, bày mọi trò để đuổi mẹ kế ra khỏi nhà.
Diễn xuất của các diễn viên NSƯT Ngọc Lan, Minh Châu, Nguyệt Hằng, Đức Khuê khiến khán giả thích thú
Bên cạnh đó là hàng loạt những vai diễn "tưng tửng" hài hước nhưng cũng rất sâu sắc khác của NSƯT Minh Châu (vai mẹ Chi), NSƯT Đức Khuê (vai chú ruột Bảo Khánh), Minh Hương (vai Tuyết thầy bói). Đây là những tuyến nhân vật giúp người xem thư giãn thoải mái sau những giờ phút đau đầu vì những xung khắc mẹ chồng - nàng dâu, mẹ kế - con chồng trong phim.
Có lẽ, "điểm trừ" duy nhất của dàn diễn viên trong phim này là vai nữ chính - Bảo Khánh do Diệu Hương thủ vai. Cô sẽ chinh phục khán giả nhiều hơn nếu như không diễn quá "điệu", nhất là ở những cảnh như nói chuyện với bà nội và dì ghẻ trong tập 26 tối thứ 3 vừa qua. Chính bởi sự quá điệu của diễn viên này khiến cho vai diễn của cô, từ ở thế chính diện, là người mẹ kế tốt, hết lòng lo lắng cho con chồng nhưng khán giả lại chưa cảm nhận được điều đó mà đôi khi cảm thấy cô giống như lời Hoài Anh là "quá đạo đức giả".
Diệu Hương được kỳ vọng nhưng lại bị "chê" vì diễn quá điệu
Diễn xuất thật, ý nghĩa nhân văn
Không chỉ quy tụ dàn diễn viên gạo cội như: NSƯT Ngọc Lan, Minh Châu, Đỗ Kỷ, Đức Khuê... Bánh đúc có xương chinh phục người xem ở việc các diễn viên diễn như không diễn. Sự hóa thân hoàn toàn vài vai diễn của những bà nội Bảo Khánh, mẹ ruột Chi, chú ruột Bảo Khánh, hay Hoài Anh khiến khán giả cảm nhận đây không phải bộ phim mà là những câu chuyện có thật ngoài đời. Do đó, dù có nhiều chi tiết chưa thực sự thật, nhưng người xem lại dễ dàng bỏ qua và cùng hòa chung theo cảm xúc trong phim.
Không chỉ vậy, cái lớn lao và cao cả hơn, Bánh đúc có xương đã gửi gắm những thông điệp hết sức có ý nghĩa về đề tài gia đình. Đó là trong cuộc sống vẫn có những người mẹ kế thực lòng yêu thương con chồng, vẫn có những người đàn ông "giai tân" nhưng cao thượng và mạnh mẽ sẵn sàng yêu thương phụ nữ "qua một lần đò" và có con riêng. Đây chính là điều giản dị mà nhân văn khiến khán giả xúc động.
Bánh đúc có xương đang đi vào những tập cuối, tuy nhiên, dư âm của nó để lại chắc chắn sẽ còn sâu đậm trong lòng người xem, bởi rất lâu mới có một bộ phim hay và ý nghĩa như vậy. Điều đó cho thấy, khán giả không hề quay lưng với phim truyền hình, nếu như thực sự có những bộ phim có kịch bản hấp dẫn, đạo diễn có nghề, diễn viên tâm huyết thì vẫn đủ sức lay động người xem truyền hình. Và vì thế, cũng không cần thiết phải có những "cảnh nóng", sexy hay người mẫu, chân dài tham gia đóng phim làm gì nếu có một êkíp làm phim đủ tâm và tầm....
Bộ phim gửi đến khá nhiều thông điệp nhân văn trong cuộc sống
Khán giả thích thú và say mê với nội dung phim Bánh đúc có xương
Sao Việt
bánh
nhăn
dục
vẫn
động
giản
dị
già
xuống
khăn
Tin cùng chuyên mục