7 mẹo giảm triệu chứng nhiệt miệng, loét họng tại nhà
Nhiệt miệng là những vết loét nhỏ trong miệng hoặc đáy nướu răng; có màu trắng ở giữa và hơi đỏ ở bên ngoài. Vết loét này xuất hiện ở cổ họng gọi là viêm loét cổ họng, gây đau và khó chịu, nhất là khi nuốt hoặc nói. Trong một số trường hợp, loét có thể đi kèm với các triệu chứng khác như sốt, sưng hạch bạch huyết ở vùng cổ.
Nhiệt miệng và loét họng xuất hiện sau khi bạn ăn thức ăn có tính axit hoặc là dấu hiệu đầu tiên cho thấy hệ thống miễn dịch suy yếu. Khi các vết loét này lớn bạn cần nhiều thời gian để chữa lành. Bác sĩ sẽ kê một số loại thuốc đặc dụng để giảm đau do vết loét. Ngoài ra, bạn cũng có thể áp dụng một số cách sau đây để chữa lành vết loét ở miệng và cổ họng, theo TuaSaúde.
Súc miệng: Khi có vết loét, bạn nên tăng cường súc miệng bằng nước súc miệng sau khi đánh răng, giúp loại bỏ vi khuẩn và làm sạch khu vực đang bị loét. Súc miệng nước ấm với muối hoặc súc miệng bằng hydrogen peroxide pha loãng trong nước vì chúng có tính sát trùng.
Thường xuyên súc miệng để làm sạch vùng bị loét. Ảnh: Freepik
Tránh thực phẩm có tính axit: Những thực phẩm có tính axit có thể làm tăng cảm giác rát, gây đau. Bạn nên tránh các loại quả như chanh, dứa, cà chua, kiwi và cam...
Ăn thực phẩm giàu vitamin B: Vết loét sẽ mau lành hơn nếu bạn ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin B phức hợp, axit folic và sắt như chuối, xoài, sữa chua ít béo.
Tránh đồ ăn cứng: Để tránh các vết loét nặng hơn, bạn không nên ăn các thực phẩm cứng như bánh mì nướng, đậu phộng, các loại hạt, món ăn quá giòn...
Dầu dừa, mật ong: Theo Very Well Health, dầu dừa chứa nhiều axit lauric giúp chống lại một số vi khuẩn có hại. Nó còn hỗ trợ chống viêm tự nhiên, hỗ trợ giảm sưng tấy đỏ và đau. Mật ong có tác dụng kháng khuẩn, giảm đau, sưng, viêm... Người dùng chỉ cần bôi trực tiếp mật ong lên vết thương vài lần trong ngày để giảm triệu chứng khó chịu.
Sử dụng bàn chải đánh răng có lông mềm: Sử dụng bàn chải có lông mềm để tránh các vết loét bị tổn thương gây chảy máu. Ngoài ra, trong giai đoạn này bạn cũng nên tránh các sản phẩm vệ sinh răng miệng có các thành phần gây kích ứng.
Giấm táo: Giấm táo có tác dụng kháng khuẩn, dùng súc miệng hoặc chữa lành vết loét. Bạn có thể trộn một thìa cà phê giấm táo vào một cốc nước. Ngậm dung dịch trong khoảng 2-3 phút rồi phun ra ngoài, súc miệng sạch sẽ sau khi ngậm giấm táo. Phương pháp này nên dùng khoảng mỗi ngày 1 lần.
Theo TuaSaúde, nếu bạn tuân thủ điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ đồng thời ghi nhớ những khuyến cáo này, các vết loét ở cổ họng có thể sẽ tự biến mất trong vòng vài ngày.
Loét cổ họng xảy ra do nhiều nguyên nhân, có thể do hệ miễn dịch suy yếu, do mụn rộp, thực phẩm có tính axit, chẳng hạn như dứa, cà chua hoặc hạt tiêu. Ngoài ra các vấn đề về dạ dày, chẳng hạn như trào ngược axit, thiếu chất dinh dưỡng như vitamin B-complex, axit folic hoặc khoáng chất như sắt.
Nếu một tháng bạn bị loét miệng hoặc họng trên 2 lần thì nên đến gặp bác sĩ gia đình để xét nghiệm máu và xác định nguyên nhân chính xác để có cách phòng tránh.
Anh Chi
Tags:loét họng
nhiệt miệng
vết loét
tại nhà
Tin cùng chuyên mục