5 người trong gia đình nhập viện do xoắn khuẩn vàng da
GĐXH – Theo các bác sĩ, Leptospira thâm nhập vào cơ thể người qua những vết xước ở da, niêm mạc khi tiếp xúc với nước bị nhiễm khuẩn (đồng ruộng, ao, hồ, vũng nước đọng).
Ngày 2/10, thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, vừa qua, đơn vị này đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân mắc bệnh xoắn khuẩn vàng da sau mưa lũ.
Đặc biệt, có 5 bệnh nhân ở Thái Nguyên là người trong cùng một gia đình (2 vợ chồng, con và 2 cháu). Trong đó, vợ, con và 2 cháu điều trị tại Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, riêng ông N.V.C (48 tuổi) phải nhập khoa Cấp cứu do diễn biến nặng: men gan tăng cao, suy thận cấp và giảm tiểu cầu.
Bà H, vợ ông C cho biết, gia đình bà sinh sống trong căn nhà cấp 4 tại vùng ngập nặng của Thái Nguyên sau trận lũ lịch sử do bão Yagi gây ra. Trận lũ khiến nước ngập sâu tới 1,8 mét, gia đình phải sinh hoạt trong điều kiện nước lũ ô nhiễm. Đồ dùng trong nhà đều ngập trong nước, chuồng trại chăn nuôi gia đình cũng chịu ảnh hưởng nặng nề.
Khoảng 4 ngày sau lũ, ông C. bắt đầu xuất hiện các triệu chứng sốt cao không rõ nguyên nhân, kèm theo mệt mỏi, khó thở, bụng chướng căng và đau vùng mạn sườn phải.
Bệnh nhân mắc bệnh xoắn khuẩn vàng da đang được điều trị tích cực tại bệnh viện. Ảnh BVCC
Bên cạnh đó, bệnh nhân tiểu ít và tình trạng sức khỏe ngày càng suy yếu. Mặc dù đã tự mua thuốc hạ sốt nhưng các triệu chứng của ông không thuyên giảm nên ông phải đến cơ sở y tế địa phương thăm khám.
Tại đây, ông được chẩn đoán nhiễm trùng, được chỉ định dùng kháng sinh trong 2 ngày. Tuy nhiên, sau khi hạ sốt, các triệu chứng như khó thở, bụng căng tức và tiểu ít vẫn còn.Ngoài ra, ông còn xuất hiện các cơn kích thích, quằn quại không kiểm soát. Đến cuối ngày thứ 4 và đầu ngày thứ 5, ông được chuyển đến Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Hiện tại, ông C. đang được theo dõi chặt chẽ tại Khoa Cấp cứu trong tình trạng suy thận cấp, men thận tăng cao gấp 6 lần bình thường và không có nước tiểu trong 12 giờ.
Các thành viên khác trong gia đình ông C. cũng có tình trạng sốt, mệt mỏi nên được đưa đến viện điều trị. Dựa trên yếu tố dịch tễ, đặc biệt là việc gia đình ông C sống trong môi trường ngập lụt lâu ngày và tiếp xúc trực tiếp với nước lũ, các bác sĩ đã nghi ngờ ông và 4 thành viên trong gia đình cùng mắc bệnh xoắn khuẩn vàng da (Leptospira).
Ngoài các bệnh nhân trong gia đình trên, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng đang điều trị cho 1 bệnh nhân (SN 1971, tại Yên Bái) nhiễm khuẩn huyết không xác định, suy gan, suy thận nặng, an thần, thở máy, duy trì các thuốc vận mạch.
Bệnh nhân có tiền sử bị Gout mạn phát hiện cách đây 2 năm. Vừa qua, gia đình bệnh nhân sống trong vùng bão lũ toàn bộ nhà bệnh nhân bị ngập. Sau đó bệnh nhân có tham gia dọn dẹp phòng chống lũ, có tiếp xúc nhiều với nước, bùn đất. Trước khi vào viện 1 tuần, bệnh nhân có đau mỏi cơ thân mình.
Ngày 20/9 bệnh nhân xuất hiện sốt rét run ko rõ nhiệt độ, đau mỏi cơ vùng chân nhiều hơn, đi ngoài phân lỏng nhiều lần trong ngày, kèm theo đau vùng bắp chân 2 bên. Sau đó 3 ngày, bệnh nhân đi khám có tình trạng suy thận, được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Yên Bái trong tình trạng bệnh tiến triển nặng hơn, sốt, đại tiện phân lỏng, tụt huyếtt áp, suy hô hấp, ý thức giảm. Bệnh nhân được đặt nội khí quản và chuyển Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cấp cứu.
Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán: Nhiễm khuẩn huyết có sốc, theo dõi do Leptospira- Viêm phổi - Viêm tụy cấp - suy thận cấp/Gout - Xơ gan.
Sau 4 ngày nhập viện, bệnh nhân được làm xét nghiệm tầm soát, xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu, cấy máu bệnh nhân có kết quả dương tính với Leptospira.
Sau hơn 1 tuần điều trị, tình trạng bệnh nhân tỉnh táo, không phải duy trì thuốc vận mạch, không phải thở ô xy, chức năng gan thận đã tiến triển. Hiện bệnh nhân đang được điều trị tại bệnh viện.
Bệnh xoắn khuẩn vàng da là gì?
ThS.BS Phạm Thanh Bằng, Khoa Cấp cứu – Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh xoắn khuẩn vàng da là bệnh truyền nhiễm cấp tính do các xoắn khuẩn thuộc họ Leptospiraceae gây ra.
Leptospira thâm nhập vào cơ thể người qua những vết xước ở da, niêm mạc khi tiếp xúc với nước bị nhiễm khuẩn (đồng ruộng, ao, hồ, vũng nước đọng. Thâm chí nếu tiếp xúc lâu với môi trường nhiễm khuẩn, vi khuẩn có thể xâm nhập trực tiếp qua da, niêm mạc lành.
"Bệnh hay gặp vào mùa mưa do xoắn khuẩn lan theo dòng nước. Trận lũ lụt do bão Yagi vừa qua tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát tán của vi khuẩn Leptospira, đặc biệt tại các vùng chăn nuôi lợn, nơi hệ thống vệ sinh không đảm bảo", BS Bằng cho biết.
Theo BS Bằng, ở Việt Nam, bệnh Leptospira vẫn xuất hiện tản phát, đặc biệt là trong các vùng lụt lội. Dù đã giảm đáng kể so với những thập kỷ trước đây nhưng bệnh vẫn là mối đe dọa sức khỏe đối với những người tiếp xúc trực tiếp với môi trường nước lũ, nhất là ở các khu vực chăn nuôi gia súc.
Bệnh Leptospira có thể điều trị bằng kháng sinh nếu phát hiện sớm, nhưng với tình trạng của ông C., việc theo dõi diễn biến bệnh là vô cùng quan trọng để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.
Để phòng ngừa bệnh Leptospira, các chuyên gia khuyến cáo, chuồng trại chăn nuôi súc vật, lò mổ…phải cao ráo, dễ thoát nước, thường xuyên được cọ rửa sạch sẽ và khử trùng tẩy uế. Tại các cơ sở chăn nuôi súc vật, các lò mổ, bể bơi cần phải kiểm tra thường xuyên hoặc định kỳ các chất thải để xử lý kịp thời phòng chống chuột và vệ sinh môi trường.
Bên cạnh đó, những người làm việc trong môi trường nước lũ hoặc chuồng trại cần trang bị đầy đủ quần áo bảo hộ, ủng, găng tay để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Tags:
nước lũ
ngập lụt
ô nhiễm
bệnh xoắn khuẩn vàng da
Tin cùng chuyên mục